Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2020 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, những năm gần đây các doanh nghiệp phát triển dự án có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng.

Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25 – 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0- 3% tổng mức đầ tư và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm. Tuy nhiên, theo thống kê, tổng số công trình đạt chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam chỉ mới khoảng 150 công trình, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia Đông Nam Á.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng cũng cho biết, cho tới nay,  công trình xanh đã trở thành một xu hướng của thời đại. Ở mức độ cao hơn nữa, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình “superlow energy building hay “zero energy building” là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng nhờ khả năng tự tạo ra năng lượng phục vụ chính nó, thậm chí còn cung ứng thêm vào mạng lưới; hay mô hình ‘carbon-neutral building’ là những công trình từ vật liệu xây dựng đến khi đưa vào sử dụng đều không phát ra khí CO2. Như vậy, từ khái niệm công trình xanh ban đầu, thế giới liên tục nâng cao chuẩn xanh, và phát triển các mô hình thiết kế và xây dựng mới ngày càng hiệu quả về tài nguyên và môi trường. 

Việc đo lường các mức độ xanh một cách chính xác cụ thể đặt ra yêu cầu về tiêu chí và công cụ đánh giá. Do đó, đồng hành với phong trào xanh hoá xây dựng ở các nước là sự ra đời các Bộ công cụ đánh giá - chứng nhận công trình xanh, bao gồm các bộ tiêu chí, cách thức đo lường đánh giá và quy trình đánh giá chứng nhận.

Hiện đã có trên 100 quốc gia thành lập Hội đồng Công trình xanh, xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí công trình xanh của mình, thực hiện các chính sách, các biện pháp đẩy mạnh phát triển công trình xanh và đã có hàng trăm nghìn công trình xây dựng đã được đánh giá và chứng nhận.

Theo bà Loan, xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam cũng đã xuất hiện và ngày càng phát triển ở nước ta. Các KTS hiện nay đã có nhiều sáng tạo trong thiết kế các ngôi nhà ngày càng “xanh” hơn: thông thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn, cách nhiệt tốt hơn. Đây chính là nhóm giải pháp thiết kế thụ động (không dùng thiết bị, công nghệ, mà bằng các giải pháp thiết kế thi công để cải tạo vi khí hậu). Hầu hết những ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam có dạng thiết kế thụ động, ứng phó với vấn đề khí hậu rất thông minh.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có một bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá công trình, cũng như các cơ chế chính sách để thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển công trình xanh. Các nhà đầu tư đang “tự xoay xở” với công trình xanh dựa trên các bộ chứng chỉ quốc tế.

"Hiện nay, làm sao thúc đẩy xu hướng này nhanh hơn, mạnh hơn thì vấn đề cốt lõi là chúng ta phải có bộ công cụ chính thức, làm cơ sở cho các chính sách tiếp theo liên quan đến tính toán chi phí đầu tư. Nhà nước nên có một bộ công cụ cho xã hội tham chiếu. Các việc cần được làm ngay đó là củng cố cơ sở pháp lý liên quan đến tiết kiệm năng lượng và công trình xanh. Lựa chọn bộ chứng chỉ đánh giá – công nhận Công trình xanh chính thức để làm cơ sở cho các chính sách cụ thể khác" - bà Loan chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tiên phong thực hiện các công trình xanh cho các dự án đầu tư xây dựng hoặc cải tạo quy mô lớn công trình sử dụng cốn công. Thúc đẩy công trình xanh tại các địa phương bằng cách nâng cao vai trò của chính quyền địa phương. Xây dựng khung hướng dẫn ưu đãi thực hiện công trình xanh thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân, xây dựng bằng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan quan đến tài chính/phi tài chính. Thông tin, tuyên truyền về công trình xanh, quản lý và vận hành công trình xanh.

Đặc biệt, đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ, công trình và các giải pháp xanh là một trong những yêu cầu thiết yếu, chuẩn bị cho định hướng một Việt Nam Xanh.

Trên thế giới, việc phát triển các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với quốc tế khi tham gia vào Nghị định thư Kyoto hay gần đây là Thỏa thuận Paris (COP21).

Ở phạm vi quốc gia, các cam kết này đã và đang được hiện thực hóa trong nhiều chính sách, có thể kể đến Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg với quan điểm tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra các mục tiêu cụ thể về giảm tiêu thụ năng lượng trong ngành Xây dựng… Vì vậy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.