Theo SCMP, đang có một sự "hoảng loạn thầm lặng" lan rộng ở Mỹ, khi các công ty nhà thầu cho chính phủ thuộc nhiều lĩnh vực trọng yếu, như hàng không vũ trụ, công nghệ, sản xuất xe hơi... đang sắp phải tuân thủ Phần B, Mục 889 của Luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA).

NDAA đã được chính phủ Mỹ thông qua đầu 2019, riêng Mục 889 có hai phần. Phần A đã áp dụng từ 13/8/2019, riêng Phần B dự kiến có hiệu lực từ 13/8 năm nay.

Đạo luật này quy định không cho phép bất kỳ nhà thầu nào thuộc các cơ quan liên bang Mỹ mua thiết bị công nghệ, viễn thông từ các công ty Trung Quốc, gồm Huawei, ZTE, Hytera, Hikvision và Dahua. Lệnh miễn trừ sẽ do một cơ quan chính phủ Mỹ xem xét "theo từng trường hợp cụ thể" trong thời gian hai năm, hoặc do giám đốc tình báo quốc gia duyệt.

Theo NDAA, các công ty sẽ không thể sử dụng công nghệ của doanh nghiệp từ Trung Quốc nếu muốn bán sản phẩm của mình cho chính phủ. Theo Bloomberg, hiện 100.000 nhà thầu Trung Quốc đang cung cấp hơn 598 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trực tiếp cho chính phủ Mỹ vào năm ngoái, chưa kể các doanh nghiệp gián tiếp.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiếp tục có những hành động mạnh tay nhằm "cắt đứt" các mối liên hệ giữa các công ty Mỹ với Huawei thời gian qua. Trong đó, mới nhất là quyết định cấm các doanh nghiệp sản xuất chip sử dụng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ làm ăn với Huawei.

David Hanke, người từng làm việc trong Quốc hội Mỹ và hiện là đối tác tại công ty luật Arent Fox, cho rằng các điều khoản trong Phần B, Mục 889, không có sự linh hoạt cho doanh nghiệp Mỹ. Đến tháng 8 tới, nếu muốn tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei hay ZTE, họ cần được chính phủ cho phép. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng.

Huawei và ZTE gần như không còn hiện diện nhiều tại Mỹ. Tuy nhiên, cả hai vẫn chiếm ưu thế rất lớn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. "Khó có thể tìm ra hệ thống nào không có công nghệ Huawei tại Trung Quốc, châu Âu và châu Phi. Thậm chí, một số nhà thầu cho chính phủ Mỹ đã mua sản phẩm nhưng không hề biết rằng chúng có sự tham gia của Huawei", Samantha Clark, cố vấn đặc biệt tại công ty luật Covington & Burling, cho biết.

Những tháng gần đây, hàng loạt các công ty lớn của Mỹ, như Lockheed Martin Corp, Amazon.com, Apple, 3M Corp và Ford Motor cố gắng thúc đẩy các nhà lập pháp và chính quyền Mỹ phải thay đổi hoặc sửa chữa một số điều khoản của NDAA, đồng thời muốn trì hoãn thời gian áp dụng luật nhằm đảm bảo các chuỗi cung ứng có thêm thời gian thích ứng. Tuy vậy, đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

Các chuyên gia nhận định, nếu Phần B của NDAA được triển khai, rất nhiều doanh nghiệp có liên quan đến cung cấp dịch vụ cho chính phủ Mỹ và các cơ quan của nước này trên toàn cầu buộc phải tạm dừng công việc. Thực tế, công nghệ của Huawei hay ZTE đang tồn tại trên rất nhiều sản phẩm, từ nhà cung cấp dịch vụ Internet, trạm viễn thông, bộ định tuyến, thiết bị chuyển mạch... Nếu áp dụng luật, chúng sẽ bị loại bỏ. Tất nhiên, việc thay thế cần có thời gian, không phải một sớm một chiều.

Ví dụ, một công ty Mỹ có văn phòng ở London sử dụng dịch vụ của Royal Mail để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, công ty chuyển phát này có thể sử dụng thiết bị mạng của Huawei. Điều này cũng sẽ vi phạm NDAA.

Điều khoản của phần B cũng có thể áp dụng với lĩnh vực khác. Chẳng hạn, một công ty dược phẩm có nhà máy ở Ấn Độ, chuyên cung cấp thuốc cho Bộ Cựu chiến binh Mỹ. Nhưng nếu công ty này sử dụng điện thoại của nhà mạng Bharti Airtel để liên lạc, họ có thể phạm luật, do hạ tầng của Bharti Airtel đang vận hành bằng thiết bị viễn thông do Huawei cung cấp.

Clark, người từng tham gia Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Mỹ, nói rằng, Quốc hội Mỹ bắt đầu có động thái bỏ qua định nghĩa về các mối quan hệ giữa các công ty nhằm linh động hơn trong việc áp dụng luật sau này. Tuy vậy, việc thảo luận đang "thực sự phức tạp".

Theo các nguồn tin, một số quan chức của chính quyền Mỹ nhận thức được những hậu quả tiềm tàng xảy ra với doanh nghiệp và chính phủ Mỹ nếu NDAA được áp dụng. Tuy vậy, họ đang không biết phải làm thế nào để ngăn chặn.

Trước khi luật chính thức có hiệu lực, chính quyền Trump sẽ phải ban hành các quy định để thực thi. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, Luật Quốc phòng Mỹ cũng cho phép các cơ quan thuộc chính phủ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp tư nhân một lần miễn trừ để có thể làm việc với doanh nghiệp Trung Quốc trong danh sách cấm. Tuy vậy, một số luật sư cho rằng khả năng được thông qua không cao.

Cuối cùng, một số chuyên gia kỳ vọng chính quyền Trump hoặc Quốc hội có thể bị doanh nghiệp thuyết phục để sửa luật. Dù vậy, khả năng này đang bị bỏ ngỏ.

"Nếu mọi thứ quá phức tạp, có lẽ các nhà thầu Mỹ không nên tiếp tục làm việc với chính phủ", Clack nói.