Báo Diễn đàn doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Toán, Giám đốc công ty về nội dung này.- Ông hãy điểm vài nét về kết quả hoạt động của công ty trong năm 2018?

Năm 2018, công ty tiếp tục thi công những công trình còn dở dang của năm 2017 và nhận các công trình mới như: gói thầu số12: Xây lắp các hạng mục còn lại thuộc giai đoạn 1 của Dự án nâng cấp đường QL32; Gói thầu số 06: Thi công xây dựng từ km số 0 đến km số 17 Dự án đường QL32 - Thân Thuộc - Nậm Cằn-Nậm Sỏ-Noong Hẻo-Nậm Tăm - Séo Lèng... Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bê tông nhựa nóng; chăm sóc, trồng cây cảnh.

Trong năm, doanh thu của công ty đạt 220.446 triệu đồng; Nộp ngân sách nhà nước 5.935 triệu đồng. Tạo việc làm ổn định cho trên 150 lao động với mức thu nhập bình quân 6,80 triệu đồng/người/tháng.
Trước bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, lãnh đạo và cán bộ nhân viên công ty luôn nỗ lực, cố gắng duy trì tổ chức hoạt động. Nhờ đó, doanh thu của doanh nghiệp tăng đều qua các năm; giúp bảo toàn nguồn vốn và gia tăng giá trị tổng tài sản; tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương.

- Phát triển nguồn nhân lực luôn là yếu tố then chốt đem lại sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp. Ông hãy chia sẻ vấn đề này tại công ty?

Ngay từ khi thành lập, Công ty đã quan tâm việc xây dựng doanh nghiệp trên những nền tảng bền vững. Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng một đội ngũ CBNV có trình độ và tâm huyết. Chúng tôi luôn chú trọng xây dựng môi trường làm việc đồng thuận, tạo dựng sự gắn kết giữa lãnh đạo và nhân viên. Mặt khác, bố trí, sắp xếp công việc một cách khoa học nhằm phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân.

Để đáp ứng các yêu cầu về cơ chế, chính sách, giúp thuận lợi trong hoạt động, công ty cũng thường xuyên cử cán bộ thuộc khối văn phòng tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, tìm hiểu chính sách mới như: Tập huấn kiến thức đấu thầu, chính sách tài chính...

  Còn nhiều "nút thắt" chưa được giải quyết dứt điểm như: việc khó tiếp cận vốn vay, lãi suất vay còn khá cao; đầu ra cho sản phẩm còn hạn hẹp; giá thuê đất, tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội đều tăng.

Nhờ tổ chức quản lý và cơ cấu lao động hợp lý, hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty được nâng cao rõ rệt: giảm chi phí hoạt động; nâng cao năng suất lao động; khai thác tối ưu thiết bị, máy móc. Những yếu tố này được coi là thế mạnh của công ty, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các công trình và sẵn sàng cạnh tranh với các đơn vị khác trong cùng lĩnh vực.

- Chia sẻ của ông về sự đồng hành của địa phương đối với hoạt động của doanh nghiệp và những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn?

Chúng tôi đánh giá cao những đổi mới của chính quyền tỉnh Lai Châu trong thời gian qua, đặc biệt là công tác cải cách TTHC, sự vào cuộc của các các sở, ngành thông qua các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "nút thắt" chưa được giải quyết dứt điểm như: việc khó tiếp cận vốn vay, lãi suất vay còn khá cao; đầu ra cho sản phẩm còn hạn hẹp; giá thuê đất, tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội đều tăng… doanh nghiệp cùng lúc phải gánh nhiều khoản chi phí cao khiến mất cân bằng và khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tỉnh cần nghiên cứu và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn; chủ động rà soát và hoàn thiện hệ thống cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, phù hợp quy định của pháp luật và thực tế địa phương, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng phục vụ liên kết vùng, nhằm tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.

- Trân trọng cảm ơn ông!