Thật ra, trước việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (HĐTMTD) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… cũng có nhiều lo ngại được nêu ra về khả năng thực hiện và lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề bởi chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19, với việc kiềm chế được sự bùng phát của đại dịch COVID-19, việc thực hiện các HĐTMTD đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm nhỏ các nền kinh tế thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương.

Năm 2020, xuất khẩu đạt 281 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó có phần đóng góp quan trọng của thương mại với các thị trường hiệp định thương mại tự do (FTA) mới ký kết; 15 FTA được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo các số liệu từ Bộ Công Thương, với Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12%; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019. Với Hiệp định EVFTA sau 5 tháng thực thi (từ 01/08-31/12/2020), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 3,8% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong 2 tháng đầu năm 2021, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Sang năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Về hàng hóa xuất khẩu: Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về hàng hóa nhập khẩu: Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng nói, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 33,1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm 2020; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 16,9 tỷ USD, tăng 16,9%; thị trường ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 48,2%; Nhật Bản đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, tăng 16,6%; Hoa Kỳ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 7,9%.

Kết quả khả quan này có thể coi là đóng góp lớn của việc thực thi các HĐTMTD, đặc biệt là các Hiệp định mới ký kết và có hiệu lực gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,…

Trên thực tế, dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, để việc thực thi Hiệp định mang lại kết quả tốt nhất, doanh nghiệp nên quan tâm đến một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và giáo dục mọi nhân viên nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các loại dịch bệnh khác, không để dịch bệnh bùng phát để có thể an tâm và ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, tránh gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô và cho xã hội.

Thứ hai, đổi mới tư duy, tự tìm hiểu, nắm bắt cơ hội về các HĐTMTD, tự vượt lên chính mình để đáp ứng các yêu cầu của từng thị trường, chứng minh xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định để được hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan.

Thứ ba, tự đổi mới cơ cấu sản xuất – kinh doanh, luôn linh hoạt đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường các quốc gia phát triển để đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao năng lực quản lý, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành đẻ nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ tư, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa. 

Thứ năm là tham gia vào các chuỗi sản xuât hàng hóa khép kín (cả trong nước và quốc tế) để tạo ra các hàng hóa có chất lượng, có thương hiệu để cạnh tranh. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn cần trở thành những doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo chuỗi sản xuất kinh doanh thuần Việt, chuỗi giá trị thuần Việt để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế.

Và cuối cùng là tích cực tham gia các liên kết ngang và liên kết dọc để tăng tính cạnh tranh. Tích cực tham gia và phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành nghề, ngành hàng… trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp.

Với các cơ quan quản lý nhà nước việc tuyên truyền phổ biến về các HĐTMTD cụ thể cho từng mặt hàng, từng ngành hàng, tạo điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thị trường của từng Hiệp định.

Cùng với đó, việc tạo các điều kiện hỗ trợ thích hợp về môi trường sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp để giảm các chi phí logistic, vận tải, chi phí tiếp cận thị trường… để các doanh nghiệp giảm chi phí và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Tiếp theo, các cơ quan quản lý nhà nước nên hoàn thiện các thị trường, đặc biệt thị trường tài chính để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, giá rẻ theo thị trường…

Và cuối cùng là trong điều kiện đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, cần phát huy vai trò của các cơ quan Thương vụ Đại sứ quán tại các quốc gia thành viên các HĐTMTD tổ chức tìm hiểu thị trường, tạo các trang web nhằm giúp các doanh nghiệp có các điều kiện tìm hiểu về luật pháp, về thị trường, thâm nhập, xuất nhập khẩu hàng hóa và hưởng các ưu đãi, tránh các rủi ro có thể xảy ra …