Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang mới đây có thư xin lỗi gửi anh Trần Văn Em.

Xin lỗi và nhận khuyết điểm

Theo bức thư này, ngày 19/7, sau khi nhận thông tin về vụ việc tổ công tác của UBND phường Vĩnh Hòa kiểm tra, tạm giữ giấy tờ và phương tiện xe máy của công dân Trần Văn Em vào ngày 18/7, Chủ tịch UBND TP Nha Trang đã kịp thời chỉ đạo Chủ tịch UBND phường và Tổ công tác của UBND phường Vĩnh Hòa trao trả xe máy, giấy tờ xe và không xử phạt hành chính đối với công dân Trần Văn Em.

Đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa tiến hành kiểm tra, làm rõ vụ việc nêu trên và yêu cầu tạm thời điều chuyên công tác đối với ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường sang thực hiện nhiệm vụ khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Qua kiểm tra bước đầu, UBND TP Nha Trang nhận thấy ông Trần Lê Hữu Thọ đã nhận thức chưa đầy đủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến xử lý không đúng tinh thần Chỉ thị 16 khi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, có thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực đối với người dân trong khi thi hành công vụ, tạo bức xúc trong dư luận.

"Trước hết, Chủ tịch UBND TP Nha Trang xin lỗi và nhận khuyết điểm trong công tác quán triệt, lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bản thành phố, nhất là đã để xảy ra vụ việc nêu trên.

Chủ tịch UBNDTP Nha Trang xin lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Rất mong nhân dân nói chung và công dân Trần Văn Em nói riêng thông cảm, chia sẻ, ủng hộ những nỗ lực của UBND thành phố và UBND các xã, phường trong thời điêm dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp"- thư xin lỗi của Chủ tịch UBND TP Nha Trang nêu.

Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm điểm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với ông Trần Lê Hữu Thọ trong thời gian tới.

Dư luận vẫn chưa yên tâm

Trước đó, ngày 19/7, xuất hiện 1 clip ghi lại cảnh một công nhân ở một dư án phía Bắc TP Nha Trang bị lực lượng chức năng dừng xe và kiểm tra, xử lý vi phạm vì cho rằng ra đường khi không cần thiết. Vụ việc xảy ra vào khoảng 15 giờ 30 ngày 18/7, công nhân này xuất trình giấy tờ, giải thích lý do ra đường để mua bánh mì nhưng cán bộ kiểm soát chốt chặn không đồng tình vì cho rằng bánh mì không phải là lương thực thiết yếu.

Vụ bánh mì không phải thực phẩm cho thấy chất lượng cán bộ cơ sở của chúng ta yếu kém đến mức báo động. Ảnh cắt từ màn hình

Từ vụ việc của công dân Trần Văn Em cho thấy chất lượng cán bộ cơ sở của chúng ta yếu kém đến mức báo động.

Qua xác minh, UBND phường Vĩnh Hòa cho biết đoạn clip này do ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường, quay lại để làm bằng chứng nhưng chưa rõ ai phát tán lên mạng xã hội. Phường đã có cuộc họp chấn chỉnh đối với cá nhân ông Thọ và tổ kiểm soát.

Clip này khi lan truyền trên mạng xã hội đã khiến người dân bức xúc với hàng chục ngàn lượt chia sẻ vì lời lẽ vị cán bộ phường rất phản cảm, như gọi mày - tao với anh công nhân, cho rằng "Đồ ăn không phải thiết yếu, bánh mì mà thiết yếu gì", "mày ở trên núi xuống đúng không?"... Người quay clip (ông Thọ, Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa) đã hỏi rất kỹ tên nhà thầu nơi anh đang làm việc, rồi bảo: "Mai cho mày nghỉ luôn. Mai cho mày nghỉ luôn đó".

Mặc dù lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo UBND TP Nha Trang đã vào cuộc nhanh chóng, xem xét kỷ luật ông Trần Lê Hữu Thọ, nhưng chưa luận vẫn chưa thể yên tâm bởi đây không phải là lần đầu tiên, hình ảnh, phát ngôn phản cảm của cán bộ thi hành công vụ được phản ánh trên phương tiện truyền thông.

Còn nhớ hồi tháng 4/2020, trên facebook xuất hiện một video clip phản ảnh nội dung về việc lực lượng trật tự đô thị của UBND phường Bãi Cháy thực thi nhiệm vụ, đã xử lý một trường hợp bán hàng rong là rau xanh dưới lòng đường.

Nhiều ý kiến tham gia bình luận bất bình với cách thức xử lý, nhất là những lời nói phản cảm, thiếu chuẩn mực của nữ Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy.

Lực lượng chức năng khống chế đoạt lại con dao của người phụ nữ bán rong

Lực lượng chức năng khống chế đoạt lại con dao của người phụ nữ bán rong

Trong đó, có cảnh người phụ nữ bán hàng rong khóc lóc van xin các lực lượng chức năng phường Bãi Cháy không đưa xe và hàng hóa về phường lập biên bản bởi gia đình khó khăn. Tuy nhiên, nữ phó chủ tịch phường không đồng ý và rồi có những lời lẽ thiếu chuẩn mực.

Đặc biệt, thấy trên tay người phụ nữ bán hàng rong xuất hiện con dao khi lực lượng chức năng bắt đầu thu rau quả, nữ phó chủ tịch phường yêu cầu khóa tay đưa người bán hàng rong lên xe.

Dù vẫn gào khóc van xin và hứa không bán nữa, sẽ đi về ngay, nhưng người phụ nữ bán rau vẫn bị lực lượng chức năng khống chế, khóa tay đưa lên thùng xe ôtô cùng hàng hóa.

Sau khi video clip vụ việc được đưa lên mạng xã hội, dư luận cho rằng việc làm của nữ Phó Chủ tịch phường và lực lượng chức năng phường Bãi Cháy quá cứng nhắc và phản cảm. Trong trường hợp này, nên nhắc nhở và yêu cầu người dân tạm dừng các hoạt động mà thành phố đã có chỉ thị nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Nếu kiên quyết phải đưa về phường xử lý thì cũng phải linh hoạt, nhất là hành động, lời lẽ phải đúng mực trong việc thi hành công vụ.

Hay vào khoảng tháng 8/2019, dư luận cũng đã rất "sốc" trước ngôn từ đại úy công an Lê Thị Hiền khi lăng mạ nhân viên hàng không tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Nữ cán bộ công an trong vụ việc là đại úy thuộc lực lượng CSGT trật tự cơ động - Công an quận Đống Đa.

Nữ cán bộ công an trong vụ việc là đại úy thuộc lực lượng CSGT trật tự cơ động - Công an quận Đống Đa.

Theo đó, khi hành khách khác phản ứng, yêu cầu bà Hiền nói nhỏ, không gây rối trật tự công cộng, bà Hiền còn thách thức cả người đàn ông này. Không được gửi thêm hành lý theo yêu cầu, bà Hiền đồng ý xách tay kiện hành lý trên. Tuy nhiên, trong quá trình hành khách di chuyển lên an ninh soi chiếu, hành khách làm mất thẻ lên máy bay và tiếp tục quay lại quầy làm thủ tục lớn tiếng.

"Không thể tin nổi những lời lẽ đó lại được phát ra từ miệng một đại úy công an, một người phụ nữ trưởng thành đang đi cùng con nhỏ tại nơi công cộng như quầy check-in của sân bay Tân Sơn Nhất... Cách hành xử của nữ đại úy này đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người Công an nhân dân và cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định", một "cư dân mạng" bày tỏ. 

Có thể khẳng định, đối với mỗi người cán bộ, công chức, đạo đức là gốc, là nền tảng để quyết định mọi vấn đề có liên quan đến chất lượng thực thi công vụ. Vì thế, xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết trong tất cả các thời kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn xã hội có nhiều biến đổi mạnh với sự bùng phát dịch COVID-19.

3 câu chuyện kể trên nói riêng, và trước đó đã từng có rất nhiều vụ việc khác liên quan đến thái độ công vụ của công chức nói chung chính là bài học sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo thực thi công vụ. Hy vọng các vị "công bộc" của dân hãy lấy đó làm bài học sâu sắc cần rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công vụ nói chung cũng như trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn mình quản lý nói riêng.