Tỉ phú Vương Kiện Lâm, người từng nhiều năm giữ vị trí giàu nhất Trung Quốc, nhưng cơ nghiệp của ông đang “xuống dốc không phanh” từ khi chính phủ mạnh tay kiểm soát các thương vụ mua bán ở nước ngoài.

Những mối quan hệ dích dắc

Ông Vương xuất thân là con nhà binh và cũng có 17 năm tham gia quân đội, lên đến chức chỉ huy trung đoàn. Sau khi rời quân đội vào cuối thập niên 1980, ông Vương làm việc trong chính quyền thành phố Đại Liên.

Ông Vương Kiện Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Dalian Wanda REUTERS

Ông Vương Kiện Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Dalian Wanda REUTERS

Bước ngoặt sự nghiệp đến với ông khi ông “lột xác” một công ty xây dựng quốc doanh trên đà thất bại đến chỗ có lợi nhuận. Năm 1992, công ty tái cấu trúc và trong 10 năm sau đó được tư hữu hóa, trong đó ông Vương là cổ đông chính.

Sau này, Dalian Wanda trở thành đế chế bất động sản số 1 tại Trung Quốc với hàng trăm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, rạp chiếu phim, tòa nhà văn phòng... Để có thể phát triển cơ nghiệp bất động sản tại Trung Quốc, ông Vương đã biết cách tạo ra những lợi ích cho chính quyền địa phương để có được quyền sử dụng đất, theo tờ The New York Times.

Theo Thanh Niên, giới chuyên gia cho rằng chính quyền địa phương mong muốn hợp tác với Wanda vì nguồn thu thuế mà tập đoàn này mang lại từ những dự án họ xây lên. Bên cạnh đó, tiến độ hoàn thành dự án của Wanda cũng thường rất nhanh, ví dụ như một trung tâm thương mại Wanda Plaza có thể được xây xong trong 18 tháng, và đó có thể coi là thành tích để các quan chức kỳ vọng vào một sự thăng tiến. Nhờ đó, ông giành được những mảnh đất có địa thế tốt với giá rẻ hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh.

Mặt khác, sự trỗi dậy của Dalian Wanda cũng có dấu ấn hỗ trợ từ những mối liên hệ với một số người thân của các quan chức lãnh đạo hàng đầu của Bắc Kinh, theo điều tra của The New York Times.

Ông Vương không bình luận về vấn đề này, nhưng từng giải thích rằng kinh tế Trung Quốc do chính phủ dẫn đầu và ngành bất động sản phụ thuộc vào sự chấp thuận của nhà nước, nên để nói rằng có thể thành công trong nghề này mà không cần hỗ trợ của chính phủ là điều không thể. Tuy nhiên, ông Vương cũng nhấn mạnh công ty của ông không đưa hối lộ để có thể phát triển.

Tuy nhiên, tài sản của ông Vương sụt giảm nhanh chóng khi Trung Quốc bắt đầu gia tăng kiểm soát khi nhắm vào hoạt động mở rộng liên tục. Theo Bloomberg Billionaire Index, tài sản của vị tỷ phú đã giảm từ 46 tỷ USD hồi năm 2015 xuống còn khoảng 14 tỷ USD.

Ở độ tuổi 66, người từng giàu nhất châu Á loay hoay xoay chuyển đế chế bất động sản và cắt giảm khối nợ khổng lồ 362 tỷ nhân dân tệ (56 tỷ USD) của tập đoàn. Luồng ý kiến hoài nghi và e ngại từ các nhà đầu tư trái phiếu càng làm mọi nỗ lực của vị tỷ phú khó khăn hơn.

Trong năm ngoái, nhiều trái phiếu bằng đồng USD của tập đoàn Wanda thuộc nhóm rớt giá đầu tiên do làn sóng bán tháo của nhà đầu tư. Người mua trái phiếu Wanda ồ ạt bán ra bởi lo ngại về khả năng thanh toán thấp của tập đoàn. Ông Dan Wang, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence, cho biết: "Khả năng thanh khoản của tập đoàn là yếu tố quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư".

Trong vòng 3 năm qua, Dalian Wanda đã phải bán hàng loạt bất động sản và những tài sản khác sau giai đoạn thâu tóm ồ ạt. Cùng khoản thời gian đó, ông Vương Kiện Lâm từ vị thế người giàu nhất châu Á, nay bị đẩy ra ngoài tốp 20 người giàu nhất Trung Quốc.

Cuộc suy yếu đã định trước?

Nguồn thu nhập chính của tập đoàn Wanda thuộc sở hữu của nhà họ Vương nằm ở bất động sản, điện ảnh, truyền hình. Nhưng trong những năm gần đây, thị trường trong nước suy thoái, Vương Kiện Lâm đã chuyển hướng đầu tư sang nước ngoài, cụ thể từ năm 2012 đến năm 2015, vị tỷ phú này đã không ngừng mua lại các tài sản ở khu vực ngoài nước và cho biết hoạt động kinh doanh của Wanda sẽ không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực hiện tại.

Vào tháng 6 năm 2017, Wanda đã bị Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc điều tra về rủi ro tín dụng. Trong khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu của Wanda liên tục giảm. Khối tài sản cá nhân của Vương Kiện Lâm đã thua xa những gì ông sở hữu trong quá khứ. Năm 2017, ba người đứng đầu danh sách người giàu trong nước thuộc về Hứa Gia Ấn, Mã Hóa Đằng và Jack Ma còn tập đoàn của Vương cứ thế lao dốc. Sau đó, để cứu Wanda, ông chủ đã bắt đầu bán các cửa hàng cho Suning một cách điên cuồng và vào thời điểm đó, nhiều người đùa rằng trong tương lai đây không còn là Wanda Plaza nữa mà sẽ là Suning Plaza.

Trong thời gian ngắn, để cứu tập đoàn, ông Vương Kiện Lâm đã bán đi vô số khách sạn. Cùng thời gian đó, Wanda đã chuyển nhượng 91% trong số 13 dự án văn hóa và du lịch của mình cho Sunac với giá 29,575 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, Sunac đã mua lại 76 khách sạn ở Wanda với giá 33,595 tỷ.

Thời cơ đã không một lần nữa mỉm cười với vị tỷ phú khi dịch bệnh năm 2020 ập đến biến mọi nỗ lực cứu vãn của ông Vương đổ sông đổ bể. Đại dịch COVID-19 bùng phát, các ngành kinh doanh của Wanda lại một lần nữa chao đảo khi phải đối mặt với tình trạng đóng cửa hoàn toàn.

Rạp chiếu phim AMC Cinemas từng được đầu tư mạnh hồi năm 2012 giờ đã phải đóng cửa hơn 1.000 rạp chiếu phim bắt đầu từ giữa năm 2020. Không có thu nhập, Wanda còn phải nuôi thêm nhân viên của hơn 1000 rạp chiếu phim và AMC bây giờ không còn được đáng giá như trước. Wanda Group thực sự đã rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Đối mặt với cuộc khủng hoảng, Wanda ngày nay chỉ có thể bắt đầu tồn tại yếu ớt như người “thiếu mất một cánh tay”. Theo các báo cáo liên quan, tỷ phú Vương đã bắt đầu bán phá giá tài sản mua ở nước ngoài nhưng về lâu dài, động thái trên chỉ có thể làm giảm bớt những nhu cầu cấp thiết chứ không thể kéo Wanda ra khỏi những khó khăn nghiêm trọng từ nguyên nhân gốc rễ trước đó.

Không chỉ có vậy, dường như chiêu bài cuối cùng của nhà họ Vương là cậu ấm Vương Tư Thông cũng không còn hiệu quả. Trước đây, Vương Kiện Lâm không khuyến khích quý tử quý giá của gia đình tự lập nghiệp nhưng cũng không hoàn toàn ngăn cản. Tuy nhiên sau cuộc khủng hoảng tài chính của tập đoàn, nhiều người cho rằng sự xuất hiện thường xuyên của Vương Tư Thông trong giới giải trí là một trong những nước đi nhằm tăng độ thảo luận và truyền thông cho Wanda. Thế nhưng, Vương Tư Thông lại bị liệt vào danh sách cưỡng chế với số tiền hơn 70 triệu nhân dân tệ khiến danh tiếng của sản nghiệp họ Lâm lại càng tụt dốc không phanh.

Ngày nay, Vương Tư Thông và Vương Kiện Lâm ít khi xuất hiện trước mắt công chúng. Theo dự đoán của giới chuyên gia, trong tương lai, tập đoàn Wanda và cái tên Vương Kiện Lâm chưa thể sụp đổ hoàn toàn nhưng chắc chắn một điều ít nhất trong tương lai gần, vị tỷ phú khó có thể quay lại thời kì hoàng kim như xưa.