Với dân tộc Việt Nam mà nói, quá khứ luôn trở về thường trực trong hiện tại. Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) đã thể hiện rõ tinh thần từ phòng ngự chủ động tấn công của quân đội ta.

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. Ảnh: Tư liệu TTXVN phát

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. Ảnh: Tư liệu TTXVN phát

 

Bài học cho hôm nay

Đúng ngày này (7/5) cách đây 67 năm, một viên tướng chỉ huy của đội quân xâm lược hùng mạnh nhất nhì thế giới lúc bấy giờ đã bị bắt tại hầm chỉ huy trong lòng chảo Mường Thanh.

Khi lá cờ đỏ sao vàng vút bay trên nóc hầm Chuẩn tướng Christian de Castries, cũng là thời khắc đánh dấu thêm một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc.

Trong con mắt của các học giả nước ngoài, “Điện Biên Phủ là trận Vanmy của các dân tộc da màu”. Thậm chí, trận Waterloo cũng không gây tiếng vang hơn thế. Điện Biên Phủ thất thủ đã gây ra những nỗi kinh hoàng, báo hiệu sự tan rã của chế độ thuộc địa trên phạm vi toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”.

Lịch sử sẽ phiến diện và uổng phí nếu như hậu thế chỉ biết đến nó qua con số thống kê khô khan. Điện Biên Phủ năm đó, tư duy biện chứng Hồ Chí Minh, nghệ thuận quân sự kiệt xuất Võ Nguyên Giáp kích hoạt trạng thái thăng hoa tinh thần dân tộc sẽ để lại bài học gì cho hôm nay?

Súng đã tắt trên mảnh đất hình chữ S mấy mươi năm rồi, nhưng không có nghĩa các cuộc chiến không trở về. Chiến tranh kinh tế, thương mại, ngoại giao, “gặm nhấm” chủ quyền biển đảo chực chờ ập tới.

Tư duy giải quyết vấn đề biện chứng

Nhưng, ngay lúc này, giờ phút này Việt Nam cũng như toàn thế giới đang chiến đấu một mất một còn với dịch bệnh COVID-19. Xin nhấn mạnh - chống dịch đã là “cuộc chiến” với đầy đủ ngữ nghĩa của nó.

 Lực lượng y tế thể hiện sự quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19.p/Ảnh: N.Tuấn

Lực lượng y tế thể hiện sự quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19. Ảnh: N.Tuấn

Thực tế, Việt Nam chống dịch thành công đến thời điểm này là nhờ dựa vào thế trận toàn dân - chiến tranh nhân dân - đặc sắc tạo nên tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chống dịch phải là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, chân lý này đã rót vào tiềm thức của người dân. Đây là chiến lược bản lề cho mọi hành động kế tiếp.

Chúng ta không mạo hiểm dùng “miễn dịch cộng đồng” như các nước khác là bởi, thế dịch mạnh, biến chủng khó lường, cách thức lây lan phức tạp trong khi vaccine còn hạn chế. Chính là vận dụng triết lý “biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”.

Điện Biên Phủ 1954 cũng thế: Vì sao không phải là 1950 hay sớm hay muộn hơn? Đó là vì thời cơ chưa tới, việc phải huy động nửa triệu chiến sĩ, hàng vạn tấn vũ khí, thuốc men, thực phẩm, hàng chục nghìn dân quân không thể một sớm một chiều. Với dịch COVID-19, Việt Nam đang áp dụng chiến thuật kích hoạt, sẵn sàng lùi vào thế phòng thủ, nhưng nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch tạm lắng.

Bằng chứng là Chính phủ, các địa phương kịp thời ban hành, thu hồi và chỉnh sửa các chỉ thị 16, 17, 18, 19 tùy theo tình hình - đó là tư duy giải quyết vấn đề rất biện chứng. Cũng như chiến thắng Điện Biên Phủ - là kết quả của một quá trình dài đấu tranh khôn ngoan khắp các mặt trận liên đới.

Mỗi bài học lịch sử đều mang đến một giá trị nhất định, nhưng Điện Biên Phủ đã đúc kết thành những giá trị phổ quát mang tính chân lý cho hành trình chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, bảo về chủ quyền... phát triển đi lên của dân tộc.

Củng cố niềm tin của nhân dân

Xác định mục tiêu tổng quát để đến năm 2045, Việt Nam “Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một trong số các yếu tố trung tâm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để có thể biến mục tiêu đó thành hiện thực là: “củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Trong giai đoạn mới của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta có nhiều thời cơ và điều kiện thuận lợi. Đó là cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế cùng những kinh nghiệm phong phú đã tích lũy trong 35 năm đổi mới; là sự lãnh đạo của một đảng cộng sản dày dạn kinh nghiệm, kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; là sức mạnh sáng tạo của gần 100 triệu nhân dân cả dân tộc với sự ủng hộ của nhiều bạn bè, đối tác trên thế giới; là những cơ hội to lớn mà cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mang lại...

Trật tự thế giới cũng tiệm tiến theo quy luật đã được thiết lập và thích ứng. Nhưng COVID-19 đã đem đến những điều chỉnh và thay đổi sâu sắc trên bình diện toàn cầu.

Với Việt Nam, những người luôn đau đáu với chiến lược phát triển đều nhận thấy đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay. Ví dụ rõ nhất là những nhiệm vụ được đặt ra từ đầu nhiệm kỳ như cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã xuất hiện những khúc quanh cần thiết. Việc hạ lãi suất, giảm thuế, phí… cũng được tiến hành ngay lập tức dù chỉ để đối phó với COVID-19. Những quyết sách mạnh mẽ để phòng, chống dịch cũng được bàn thảo và đưa ra rất nhanh. Những phương cách để “tái khởi động, phục hồi kinh tế” cũng được bàn luận thẳng thắn và có lẽ cũng sẽ sớm có quyết định của Chính phủ.