Từ hôm thứ ba 8/6/2021, tài xế bộ phận giao hàng trong ngày của Gojek (GoSend) - hay còn gọi là GoKilat, đã đình công bằng cách từ chối nhận đơn hàng. Đây là động thái phản ứng lại quyết định từ một phía của Gojek trong việc cắt giảm tiền thưởng của tài xế mà vẫn không tăng cước.

Yulianto - phát ngôn viên của cuộc đình công, cho biết Gojek đã không đưa ra bất kỳ phản hồi nào sau 3 ngày đình công của tài xế. Vì cơm áo gạo tiền, cánh tài xế đành phải ngừng việc đình công, quay lại. Tuy nhiên họ vẫn bất mãn với chính sách cắt giảm tiền thưởng mới của Gojek.

Cụ thể hơn, nếu trước đây tài xế nhận được 10.000 IDR (khoảng 0.70 USD) cho mỗi 5 đơn hàng thành công, thì hiện nay tiền thưởng chỉ còn 1 nửa - tức 5.000 IDR. Trong khi đó, Gojek vẫn không chịu tăng mức cước phí cho tài xế. Theo Yulianto, nếu chỉ dựa vào cước phí giao hàng thì tài xế sẽ không đủ sống.

Mặc dù cuộc đình công lần này của cánh tài xế không lay chuyển được Gojek, nhưng ít nhất họ đã khiến chính quyền quốc gia chú ý. Vào hôm thứ tư, Bộ Giao thông Vận tải của Indonesia cho biết sẽ triệu tập đại diện Gojek và GoKilat để hòa giải tranh chấp. Tuy nhiên theo Yulianto, bên tài xế vẫn chưa nhận được lời mời chính thức.

Ngoài ra, Yulianto còn nhấn mạnh rằng Gojek đã tạm thời tắt hệ thống chấm điểm tài xế vào hôm thứ ba. Theo Yulianto, những tài xế có điểm đánh giá hơn 80% mới đủ điều kiện nhận thưởng. Còn những tài xế liên tục từ chối nhận đơn sẽ bị điểm xấu. Việc tạm thời vô hiệu hóa hệ thống đánh giá sẽ giúp những tài xế không nhận đơn tránh điểm xấu này. Có thể đây là một tín hiệu thiện chí của Gojek.

Cánh tài xế GoKilat sẽ có một buổi họp để bàn bạc về hành động tiếp theo. Trong khi đó, phát ngôn viên của Gojek cho biết dịch vụ của mình vẫn hoạt động bình thường và công ty sẽ áp dụng cấu trúc tiền thưởng mới.

Người này cho biết: “Một trong những cách hiệu quả nhất để hỗ trợ tài xế là tăng số lượng đơn hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với họ để xây dựng lòng trung thành của khách hàng, cũng như đảm bảo sự phát triển liên tục và bền vững cho tất cả các bên.”

Trước khi đình công, cánh tài xế GoKilat đã tham khảo chuyên gia về luật lao động, cho rằng việc giảm tiền thưởng một chiều có thể vi phạm Luật Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (UU 20/2008), cũng như Quy định số 12/2009 của Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu luật lao động Nabiyla Risfa Izzati cho rằng UU 20/2008 không phải là một tài liệu tham khảo thích hợp cho vụ tranh chấp này.

Cô cho biết: “Quan hệ hợp tác giữa Gojek và cánh tài xế chưa có khuôn khổ pháp luật rõ ràng. Nó chỉ dựa trên thỏa thuận trong Bộ luật Dân sự (KUH Perdata) quy định một bên không được đơn phương thay đổi thỏa thuận, và thỏa thuận sau khi thay đổi đó phải có lợi cho cả 2 bên.

Cô cho rằng cánh tài xế có thể kiện lên Tòa án Dân sự. Tuy nhiên sẽ không dễ dàng, vì vị thế thương lượng giữa công ty và cánh tài xế không cân bằng. Hiện tại khả thi nhất vẫn là đại diện tài xế gặp đại diện công ty để đi đến thỏa thuận chung.

Và Izzati cũng kêu gọi chính phủ xây dựng luật bảo vệ những người lao động làm việc theo diện dự án (gig worker). Nếu không sẽ còn nhiều vụ đình công, biểu tình nữa diễn ra.

Các tài xế Grab, Gojek (trước đây là GoViet) ở Việt Nam cũng liên tục tắt app, đình công để phản đối mức ăn chia của ứng dụng. Nhưng rồi tất cả lại quay về chạy xe tiếp. Các tài xế đã quá phụ thuộc vào ứng dụng. Đây có lẽ không phải là một điều tốt.