Ngân hàng Thế giới vừa công bố "Báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tư toàn cầu 2019/2020: Xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trong thời điểm không chắc chắn" trong đó các tập đoàn đa quốc gia đưa ra các rào cản trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam gồm phê duyệt đầu tư, tỷ lệ nội địa hóa và ràng buộc với lao động nước ngoài. Điều này phần nào đó đã làm cho sức hút FDI của Việt Nam còn gặp phải đối thủ đáng gờm là Ấn Độ, Indonesia.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.

f

Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới.

- Thưa ông, nhìn nhận của ông về dòng vốn chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sáng Việt Nam trong thời gian vừa qua và xu hướng sắp tới ra sao?

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam là có nhưng không nhiều. Bởi, thứ nhất, Việt Nam thiếu nhiều thứ mà các công ty đa quốc gia cần như cơ sở hạ tầng yếu kém, logistics yếu và chi phí cao, giá thuê mặt bằng cao vì giá bất động sản cao do quản lý kém, không có công nghiệp hỗ trợ, trình độ kỹ năng lao động thấp trong khi lương tối thiểu luôn có khuynh hướng tăng nhanh, môi trường kinh doanh vẫn không thoáng như mong đợi.

Trong khi đó lại nổi lên nhiều đối thủ muốn thu hút dòng vốn này như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan ở châu Á, và Mê-hi-cô, Brazil, Comlombia ở châu Mỹ.

- Đúng như ông nói. Trong báo cáo mới nhất của WB cũng cho thấy con số có tới 91% doanh nghiệp đa quốc gia sẽ còn gắn bó với Việt Nam trong 3 năm tới nhưng con số này lại kém hơn Indonesia, Ấn Độ. Vậy ông đánh giá như thế nào về sức thu hút của Việt Nam so với Indonesia và Ấn Độ?

Trong khi Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố như đã nói ở trên thì xuất hiện hai đối thủ rất nặng ký thu hút dòng FDI từ Trung Quốc là Indonesia và Ấn Độ. 

Indonesia đang có nhiều lợi thế khi dân số là 250 triệu dân gấp 3 lần so với Việt Nam, điều này tạo ra lượng nhân công cạnh tranh, số lượng lớn. Mặt khác, số lượng người trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Indonesia cũng cao hơn Việt Nam rất nhiều, là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng.

Ngoài ra, Indonesia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú khi có nhiều loại khoáng sản như than, dầu mỏ. Nước này cũng có diện tích rừng rậm nhiệt đới lớn. Chính phủ Indonesia cũng rất cởi mở trong việc thu hút đầu tư, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nước ngoài.

Về logistics thì Indonesia không hơn Việt Nam nhưng các nhà đầu tư lại ưa thích Indonesia hơn vì họ có thể sử dụng hệ thống logistics của Singapore ngay bên cạnh và cũng nằm ngay eo biển Maloca rất thuận lợi.

Ấn Độ cũng vậy, họ có dân số lớn hơn Việt Nam nhiều, đây vừa là nguồn lao động lại vừa là thị trường cho các nhà đầu tư. Ấn Độ cũng có trình độ công nghệ thông tin rất cao, là nước dân chủ thực sự, đang có nhiều cải cách cụ thể và rõ ràng nhằm thu hút dòng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc. 

Đó là lý do giải thích tại sao Indonesia Và Ấn Độ đang nổi lên như là hai ngôi sao thu thút dòng đầu tư chạy khỏi Trung Quốc chứ không phải Việt Nam.

gs

Ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nên một trong những điểm yếu là đầu vào cho sản xuất của Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hơn so với các quốc gia khác.

- Các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam cũng cho biết đầu vào sản xuất của Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hơn so với các quốc gia khác từ Mexico, Malaysia đến Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan. Nguyên liệu đầu vào một lần nữa lại là vấn đề báo động, thưa ông?

Điều này là do Việt Nam không có ngành công nghiệp hỗ trợ, không thể sản xuất ra các bán thành phẩm cung cấp cho các khâu cuối trong nhiều lĩnh vực, nên cái gì cũng phải nhập. Trong khi đó cơ sở hạ tầng như bến cảng lại nhỏ, kém, tham nhũng khắp nơi gây khó dễ cho việc nhập…  Do đó các công ty cảm thấy khó tiến hành sản xuất trôi chảy được. 

- Việt Nam cần làm gì để cải thiện những yếu tố đang khiến nhà đầu tư nước ngoài “lo lắng” nói trên, thưa ông?

Để thay đổi thì cần nhiều nỗ lực trong duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, cải thiện thủ tục cấp và phê duyệt đầu tư. Đặc biệt, hoạch định xây dựng và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam phải có chương trình cụ thể và khẩn cấp nhằm khắc phục những nhược điểm trên. Phải giải quyết được vấn đề này từ gốc dễ là “con ông cháu cha” trong hệ thống quan chức. Có như vậy mới có thể quyết liệt cải cách bộ máy, cải thiện môi trường kinh doanh thì mới có hy vọng thu hút mạnh mẽ và giữ chân lâu dài các tập đoàn đa quốc gia.

- Cụ thể hơn thì cần có nỗ lực cải cách cần thiết nào để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút FDI, thưa ông?

Vì tham nhũng là phổ biến nên việc cải thiện môi trường dường như cũng không thể tiến thêm được nữa. Vấn đề là phải cải cách bộ máy mới có hy vọng.

Xin cảm ơn Ông!