Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, cùng với những thăng trầm văn hóa Thăng Long - Hà Nội (gọi tắt văn hóa người Tràng An) mãi luôn khẳng định giá trị trong dòng chảy bất tận của văn hóa dân tộc. 

Thanh lịch, chu đáo là nét đẹp văn hóa đã được định danh của người Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Thanh lịch, chu đáo là nét đẹp văn hóa đã được định danh của người Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Người Hà Nội vốn từ xưa tới nay đã nổi tiếng bởi nếp sống văn minh, thanh lịch chẳng lẫn với bất kỳ nơi đâu, và nếp sống đó vẫn luôn được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếp sống ấy không chỉ xuất hiện qua những trang sách, trang sử được lưu truyền từ xưa đến nay, mà còn được gìn giữ, phát huy trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nói đến tính thanh lịch của người Hà Nội, người ta lại nhớ tới câu ca dao cũ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ngụ ý đặt “người Tràng An” bên cạnh “hoa nhài”, “thơm” sánh với “thanh lịch”. Đây quả là một sự liên tưởng độc đáo! Hoa nhài màu trắng mọc thành cụm, nở về đêm, có mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng và quyến rũ. Có thể những đặc điểm này mà người xưa đã dùng để so sánh với nét đẹp của người Hà Nội.

“Thanh lịch”, thanh nhã và lịch sự, là một phẩm chất đáng quý. Người thanh lịch không chỉ có cử chỉ tao nhã, lịch sự mà phải là một người có hiểu biết sâu sắc, có cách ứng xử đúng mực, duyên dáng, đáng yêu, tức là người đó phải hội đủ các yếu tố về nội dung và hình thức. Đó chính là dấu ấn phong cách người Hà Nội được lưu giữ bền bỉ qua thời gian.

Người Hà Nội luôn có lối ứng xử rất đặc biệt. Cách nói chuyện “thưa gửi, vâng dạ” với đôi chút rào đón, lời xin lỗi “nói vô phép” trước khi có thể làm phiền ai, lời cám ơn “quý hóa quá” khi nhận được chút ít quan tâm giúp đỡ… thường bị người vùng khác nhận xét là khách sáo, thiếu chân tình, kiểu “thoang thoảng hoa nhài”.

Văn hóa ứng xử của người Tràng An và Hà Nội xưa và nay được thừa nhận mang sắc thái riêng, hiếm nơi nào có được. Ảnh: Internet

Văn hóa ứng xử của người Tràng An và Hà Nội xưa và nay được thừa nhận mang sắc thái riêng, hiếm nơi nào có được. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, có một điều các chuyên gia văn hóa lo ngại đó là: Người Hà Nội hôm mai sẽ ra sao khi chính những cư dân mới, rồi chẳng mấy cũng thành cố cựu?

Sự lo ngại đó có cơ sở khi Hà Nội ngày nay, thay đổi rất nhiều so với trước kia, gặp người Hà Nội chính gốc thì khó vô cùng, phần lớn là dân các tỉnh khác đổ về. Khi một bộ phận cư dân các tỉnh ở Hà Nội một vài năm cũng đã thành “mác” người Hà Nội và vô tinh, tính thanh lịch mai một cũng chỉ vì sự thiếu ý thức của một bộ phận người.

Thực tế hiện nay cho thấy, người Hà Nội là tổng hòa tất cả các phẩm chất như ứng xử bao dung, lịch thiệp, không địa phương, không cục bộ, không gây mặc cảm, không tỏ ra kỳ thị; là sự coi trọng các giá trị văn hóa tinh thần và mở rộng ra là coi trọng con người; là một quan niệm rộng rãi cho sự tự do và chính kiến cá nhân...

Nếu không có những phẩm chất “thanh lịch” của người Hà Nội đó sẽ không có Hà Nội phát triển hưng thịnh như ngày nay. Chính với nét ứng xử thanh lịch ấy mà ai được sống ở Hà Nội, trở thành cư dân Hà Nội đều cảm thấy tự hào là được sống trong không gian Hà Nội.

Điều này cũng có nghĩa, nếu chỉ nhìn bề ngoài, nhiều người không biết, có một “mạch ngầm” văn hóa Tràng An vẫn chảy. Như một nhà nghiên cứu văn hóa từng nói: “Những người sống nhiều đời ở phố cổ vẫn biết khá rành mạch người này là con cháu cụ nào, ở Hàng Bông hay Hàng Đường... Người ta vẫn trọng nhau, nếu biết thế hệ sau vẫn giữ được “nếp nhà”. Khi họ gặp nhau, ta sẽ lại thấy ánh xạ của một thời, khi người Hà Nội sống chừng mực, ăn-nói-mặc chỉn chu, tinh tế và nhã nhặn”. 

Trải qua những biến thiên của thời gian, dù có “vật đổi sao dời”, thì người Hà Nội vẫn cố gắng giữ lại những gì “của mình”. Tất nhiên, không tránh được những trường hợp bị “thẩm thấu ngược”, bị cuốn đi theo lối sống mới.

Ở góc nhìn cá nhân, tôi vẫn luôn tin sự lịch thiệp, tử tế làm nên “thương hiệu” của người Hà Nội. Và nó có mai một bởi dòng chảy thời gian hay không thì câu trả lời vẫn nằm ở thời gian.

Và để giữ gìn những sắc thái của người Tràng An, Chính quyền thành phố cũng nỗ lực xây dựng lại những nét văn hóa Tràng An, việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức và Quy tắc ứng xử nơi công cộng là một thí dụ..v..v. Song, điều quyết định về sự tồn tại hay mất đi của yếu tố văn hóa lại nằm ở chính trong dân. 

Chúng ta cùng tin tưởng, cuộc sống dù có phát triển đến đâu, thì giá trị chân - thiện - mỹ vẫn là những giá trị cốt lõi. Bởi vậy, dù có phải người Hà Nội hay không, thì nét đẹp trong văn hoá người Hà Nội cũng vẫn là những chuẩn mực, những nét văn hoá tiêu biểu đặc trưng của cả dân tộc Việt Nam, rất đáng để chúng ta trân trọng, phát huy và tự hào.