Đây chính là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tại cuộc họp của Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về việc thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), mặc dù Điều 8, Dự luật này không sửa đổi nội dung này.

p/UBCKNN độc lập sẽ làm tốt hơn vai trò bảo vệ nhà đầu tư, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, công bằng và hiệu quả.

UBCKNN độc lập sẽ làm tốt hơn vai trò bảo vệ nhà đầu tư, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:

Mặc dù, Điều 8 dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) vẫn quy định UBCK Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, dự thảo luật sửa đổi này có đạt được mục tiêu tạo ra một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn phục vụ nền kinh tế hay không, có tiến bộ hơn luật hiện hành hay không, đó là mấu chốt. Việc thời kỳ đầu UBCK trực thuộc Chính phủ nhưng một ngày đẹp trời Uỷ ban này bỗng về Bộ Tài chính, theo một số phân tích thì cũng có lý do nhất định. Nhưng, bây giờ hoàn cảnh đã khác và sửa luật chính là cơ hội để UBCK trở thành một cơ quan độc lập.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta:

Trên thế giới các UBCK đều là cơ quan ngang bộ. Tuy nhiên ở Việt Nam do có sự chồng chèo giữa nhiều luật, nên khi đưa ra luật nào đó, thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều luật khác, như như luật doanh nghiệp, luật chứng khoán… Hơn nữa, thị trường chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường tài chính nói chung. Đó là lý do tại sao UBCKNN hiện đang trực thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính. Để quản lý UBCKNN như thế nào và trực thuộc vào Chính phủ hay Bộ Tài chính là tùy thuộc vào chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Vấn đề đặt ra ở đây là cần nâng cao hơn nữa quyền cho UBCKNN, để có thể vận hành thị trường chứng khoán phát triển một cách bền vững theo định hướng của Chính phủ. Bởi vì cách vận hành thị trường chứng khoán hiện nay đang còn khá bị bó hẹp.

Kinh nghiệm quốc tế

Trên thế giới, phần lớn Ủy ban chứng khoán đều là cơ quan độc lập. Tại Anh, Cơ quan Quản lý các dịch vụ tài chính (FSA) là một tổ chức phi chính phủ, được thành lập theo Luật Các thị trường và dịch vụ tài chính 2000. FSA hoàn toàn độc lập với Chính phủ, kinh phí hoạt động của FSA không do ngân sách nhà nước cấp mà hoàn toàn dựa vào nguồn phí và lệ phí được thu theo pháp luật.

Tại Mỹ, UBCK cũng là một cơ quan độc lập, Chủ tịch UBCK do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm và được phê chuẩn bởi Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Ngân sách hoạt động hàng năm của UBCK do Quốc hội phê chuẩn trên cơ sở các nhiệm vụ, chương trình công tác cụ thể. UBCK Mỹ có quyền đưa ra các biện pháp hạn chế lạm dụng bán khống cổ phiếu trên thị trường, hoặc áp dụng lệnh hạn chế hoặc ngưng giao dịch với một hoặt một hoặc một nhóm cổ phiếu nào đó trong trường hợp giá cả biến động mạnh.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, từ năm 1998, UBCK được tách khỏi Bộ Tài chính, sáp nhập với các cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm để hình thành nên một cơ quan độc lập ngang bộ, chịu trách nhiệm quản lý thống nhất thị trường các dịch vụ tài chính.

Được thành lập năm 1992, UBCK Trung Quốc tương đương cơ quan chính phủ ngang bộ với cơ chế tổ chức và nhân sự riêng.

Trong khu vực ASEAN, UBCK Thái Lan là cơ quan độc lập thuộc chính phủ, được thành lập từ năm 1992 theo Luật chứng khoán. Chủ tịch UBCK là Bộ trưởng Tài chính, các ủy viên gồm có Thống đốc NHTW và Thứ trưởng thương mại. UBCK Malaysia được thành lập năm 1993, hoàn toàn tự chủ về nguồn kinh phí hoạt động...

Bộ Tư pháp cho rằng, cần phân định, làm rõ hơn thẩm quyền của Ủy ban này trong quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong quan hệ giữa Uỷ ban này với các Sở Giao dịch Chứng khoán.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc UBCK hoạt động độc lập đã góp phần phát triển vững mạnh thị trường chứng khoán của các quốc gia, bởi cơ quan này có đầy đủ thẩm quyền để ban hành các văn bản pháp lý quản lý thị trường, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, cũng như định hướng chiến lược phát triển dài hạn cho thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, UBCK Việt Nam ra đời trước khi thị trường chứng khoán được hình thành theo Nghị định 75/NĐ-CP năm 1996, với tư cách một cơ quan trực thuộc Chính phủ. Điều đáng nói là trước khi trực thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính vào đầu năm 2004, UBCK chỉ là một cơ quan độc lập mang tính hình thức, vì chưa bao giờ có đủ thẩm quyền và các nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.

Độc lập là cần thiết

Do trực thuộc Bộ Tài chính, nên UBCK có vị thế và thẩm quyền rất hạn hẹp, như không có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý, cũng như tìm kiếm sự phối hợp của các cơ quan khác trong việc áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc gian lận thông tin, đầu cơ, thao túng, làm giá cổ phiếu…, làm méo mó thị trường, khiến các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, mất dần niềm tin vào thị trường. Tuy nhiên, do UBCK chưa được trao thẩm quyền tự điều tra, xác minh bằng chứng vi phạm mà phải đợi kết quả từ cơ quan điều tra. Do vậy, việc xử lý các vụ việc nói trên thường bị kéo dài. Hơn nữa, việc UBCK đưa ra kết luận về vụ việc không phải dựa trên kết quả điều tra, xác minh của chính mình đã làm cho quyết định xử phạt của cơ quan này thiếu tính thuyết phục, không đủ sức răn đe.

Bởi vậy, cần tạo lập cho UBCK vị thế độc lập hơn, có đầy đủ thực quyền và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các chức năng quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Đó cũng là yêu cầu mà Tổ chức Quốc tế Các ủy ban chứng khoán (IOSCO), trong đó UBCK Việt Nam là một thành viên, đã đề ra. Có như vậy thì UBCKNN mới làm tốt vai trò bảo vệ nhà đầu tư, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, công bằng và hiệu quả, giảm thiểu rủi ro hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạnh thị trường vốn, góp phần tạo vốn cho nền kinh tế, nhất là khi tín dụng ngân hàng đang ngày càng bị siết lại, vì áp lực lạm phát, áp lực tăng vốn của các ngân hàng theo chuẩn Basel II.

Tôi cho rằng, bây giờ nếu tách UBCKNN khỏi Bộ Tài chính, đưa về trực thuộc Chính phủ thì rất hợp lý. Sở dĩ như vậy là vì 3 lý do. Thứ nhất, IOSCO đã yêu cầu như vậy, trong khi vai trò của UBCKNN quy định trong dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) rất mờ nhạt. Thứ hai, UBCKNN trực thuộc Chính phủ sẽ giảm bớt được đầu mối trung gian, góp phần xử lý nhanh mọi vấn đề. Thứ ba, thay đổi vị thế của UBCK như vậy sẽ phù hợp với yêu cầu, công việc hiện nay và sắp tới. Đặc biệt với quy mô thị trường ngày càng lớn, sự độc lập của UBCK là cần thiết để đảm bảo vai trò “Bộ chỉ huy” cho các hoạt động của thị trường vốn.