Dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng từ 2015, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư (Công ty CP Trung Nam).

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, để hạn chế việc chậm thanh toán làm ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của nhà đầu tư cũng như phát sinh lãi vay trong thời gian chờ thanh toán, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề liên quan.

Cầu vượt Ngã ba Huế.

Cầu vượt Ngã ba Huế.

Đối với phần kinh phí 553,954 tỷ đồng đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn, trong đó, bố trí 32,954 tỷ đồng để thanh toán cho dự án nút giao thông khác mức Ngã ba Huế.

Tuy nhiên, đến nay, chưa thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư do các vướng mắc liên quan thủ tục thanh toán. UBND Thành phố là cơ quan ký kết hợp đồng BT, song nguồn vốn thanh toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT. UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn tất thủ tục và thanh toán cho nhà đầu tư trong năm 2019.

Phần kinh phí còn lại 512 tỷ đồng được bố trí từ 10% dự phòng vốn Trung ương giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT để thanh toán cho dự án, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp các bộ ngành liên quan sớm hoàn tất các thủ tục để phân bổ vốn chi tiết và thanh toán toàn bộ cho nhà đầu tư trong năm 2020 nhằm giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư.

Đối với phần kinh phí còn lại của dự án, khoảng 1.825 tỷ đồng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí thanh toán cho dự án từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương của cả nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo nội dung như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết,  trong giai đoạn vừa qua, các ngân hàng thương mại có chính sách thúc đẩy cho vay đối với dự án BOT, BT nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp về vốn, thúc đẩy tiến độ thi công một số dự án trọng điểm, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, quá trình này cũng không ít trường hợp vướng rủi ro.

Ở Dự án Cầu vượt Ngã ba Huế, ông Lực cho rằng, đây là rủi ro vấn đề thu xếp nguồn vốn. Nguồn vốn cho Dự án là dài hạn, trong khi vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn và trung hạn. Trong khi đó, khả năng đóng góp vốn ngân sách của địa phương và chủ đầu tư đều hạn chế. Để tránh nguy cơ về nợ xấu, theo ông Lực, các ngân hàng cần kiểm soát rủi ro tốt hơn bằng những cam kết rõ ràng, mạnh mẽ. Trong trường hợp ngân sách không bố trí được vốn cho dự án này, Đà Nẵng cần có những thu xếp khác.