Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tại huyện Hòa Vang.

Tại cuộc tiếp xúc, Cử tri Ngô Minh Hồng (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cho rằng, hoạt động của người nước ngoài nói chung và người Trung Quốc nói riêng tại Đà Nẵng hiện rất phức tạp, đặc biệt là vấn đề người Trung Quốc núp bóng mua đất ở khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn.

Ở khu vực dự án đô thị dọc sân bay Nước Mặn, thuộc quận Ngũ Hành Sơn có 246 lô đất thì có 21 trường hợp là người Trung Quốc đứng tên

Ở khu vực dự án đô thị dọc sân bay Nước Mặn, thuộc quận Ngũ Hành Sơn có 246 lô đất thì có 21 trường hợp là người Trung Quốc đứng tên. Trong ảnh: Sân bay Nước Mặn Đà Nẵng

"Các cơ quan chức năng cần có biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực từ những hoạt động của người Trung Quốc. Trước đây, mỗi lô đất ở vùng ven Đà Nẵng chỉ khoảng 200-300 triệu đồng, nhưng nay đã lên cả tỉ đồng. Ở Hòa Châu có 1 tỉ đồng cũng lo không mua nổi đất. Nếu không kiểm soát, để người nước ngoài núp bóng mua đất thì giá đất ngày càng tăng, người dân không thể mua được", ông Hồng nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng cho hay, Sở đã rà soát vấn đề người Trung Quốc mua đất sau khi có nhiều ý kiến và chỉ đạo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

"Ở khu vực dự án đô thị dọc sân bay Nước Mặn, thuộc quận Ngũ Hành Sơn có 246 lô đất. Chúng tôi rà soát thì có 21 trường hợp là người Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng đất", ông Hùng khẳng định nhiều người Trung Quốc sở hữu đất đai gần sân bay Nước Mặn.

Cụ thể, theo ông Hùng, trước đây 21 trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được cơ quan chức năng TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận cho người Việt Nam. Nhưng trong quá trình sử dụng thì xảy ra việc mua bán cổ phần và góp vốn giữa các cổ đông ở công ty cổ phần. Vì vậy hiện nay 21 trường hợp này, quyền sử dụng đất đã chuyển sang người Trung Quốc quyết định.

Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng khẳng định, việc cấp giấy chứng nhận là đúng pháp luật và việc có dấu hiệu hay không có dấu hiệu người Trung Quốc núp bóng thuộc về cơ quan điều tra.

Trước đó, liên quan đến vấn đề này, trong một lần trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng nhấn mạnh cần tăng cường khả năng thẩm định để không tái diễn trường hợp người Trung Quốc đứng tên người Việt Nam mua đất tại Khu vực Sân bay Nước Mặn.

Nói về tầm quan trọng của khu vực Sân bay Nước Mặn đối với quốc phòng-an ninh của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, ông Bùi Văn Tiếng cho biết: Việc người Mỹ trước đây chọn khu vực này để xây dựng sân bay quân sự đã nói lên tầm quan trọng của khu vực Sân bay Nước Mặn đối với quốc phòng - an ninh của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Tiếp quản Đà Nẵng vào cuối tháng 3 năm 1975, chúng ta vẫn tiếp tục giữ khu vực này với tư cách là khu vực dành cho quốc phòng, giao cho quân đội quản lý. Trong quá trình chỉnh trang đô thị, diện tích khu vực này được thu hẹp một phần để mở tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa kèm theo các công trình xây dựng dân dụng hai bên đường, nhưng trong ý thức của người Đà Nẵng và theo tư duy chiến lược về phòng thủ thì đây cơ bản vẫn là khu vực nhạy cảm về quốc phòng -an ninh nói chung, về phòng không - không quân nói riêng.

Theo ông Tiếng, việc người Trung Quốc mua đất tại sân bay Nước Mặn  là điều không bình thường và ảnh hưởng xấu đến quốc phòng - an ninh ít nhất trên hai phương diện: Một là, an ninh là pháp luật phải được tuân thủ nghiêm ngặt, để xảy ra vi phạm với tính chất và quy mô như vậy - mua đất theo kiểu đội lốt giả danh và không phải vài ba trường hợp riêng lẻ - là thiếu an ninh do cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam. Hai là, chưa kể những người Trung Quốc làm việc và khách chơi cờ bạc ngay trong casino ven biển thì việc mua đất trái phép sẽ làm tăng thêm lượng người Trung Quốc cư ngụ ở khu vực này, rất khó quản lý.