Là thành phố có quá trình đô thị hóa nhanh, do đó Đà Nẵng mang nhiều áp lực về vấn đề rác thải. Theo thống kê, mỗi ngày Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải sinh hoạt, dự tính đến năm 2025 rác thải đô thị sẽ đạt mức 1.800 tấn/ ngày. Tuy nhiên, thành phố hiện nay chỉ có một bãi rác và đang bị quá tải, tương lai không thể tiếp tục nhận và xử lý rác thải thành phố.

Do đó, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện kế hoạch, định hướng giảm thiểu rác thải nhựa trong thời gian tới. Trong đó có dự án  “Đô thị giảm nhựa tại TP. Đà Nẵng” do WWF Việt Nam tài trợ.

Theo đó, dự án “Đô thị giảm nhựa tại TP. Đà Nẵng” được triển khai từ nay đến năm 2025. Dự án sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ giảm 30% ô nhiễm rác thải nhựa so với năm 2020.

TP. Đà Nẵng thực hiện dự án

TP. Đà Nẵng thực hiện dự án đô thị giảm nhựa, trong đó thí điểm mô hình "chợ không túi ni lon" tại quận Thanh Khê.

Đặc biệt, theo khảo sát tại quận Thanh Khê, lượng rác thải nhựa tại chợ dân sinh chiếm tới 15,08%. Do đó quận Thanh Khê được chọn làm địa bàn thí điểm mô hình "chợ không sử dụng túi ni lon" theo kế hoạch triển khai dự án.

Trong đó, 100% các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn quận không sử dụng chai nước và ống hút nhựa trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện. Thành phố xoá ít nhất 03 điểm nóng về rác thải và đảm bảo không phát sinh điểm nóng rác thải mới. Đặt mục tiêu 10 trường trên địa bàn quận Thanh Khê tổ chức được hoạt động lồng ghép chương trình giáo dục môi trường. Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông định kỳ về ô nhiễm rác thải nhựa và các hoạt động giảm thiểu cho cộng đồng.

Tiếp theo, các hoạt động và mô hình thí điểm thành công trong giai đoạn 2021 – 2022 sẽ được thể chế hóa bằng văn bản, chính sách hành động. Những đánh giá kết quả về mô hình "chợ không sử dụng túi nilon" để làm cơ sở xem xét nhân rộng ra toàn quận và các địa bàn khác.

Đến năm 2025, mục tiêu trên địa bàn quận sẽ giảm được 50% ô nhiễm rác thải nhựa so với năm 2020. Mục tiêu 100% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn quận thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Ngoài ra, ít nhất 50% các cơ sở kinh doanh không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch và dịch vụ ven biển. Bên cạnh đó, đặt mục tiêu ít nhất 50% ngư dân không thải bỏ ngư cụ, rác nhựa xuống biển. Đồng thời triển khai hiệu quả cơ chế giám sát, xử phạt người xả rác không đúng nơi quy định.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình giảm nhựa của Tổ chức WWF Việt Nam thông tin Đà Nẵng là một trong 03 địa phương của cả nước (cùng với Rạch Giá – Kiên Giang và Phú Yên) được WWF ưu tiên thực hiện khảo sát đánh giá trong nhóm đô thị đợt 1. Ngoài ra, đây cũng là địa phương có tiềm năng để tham gia Chương trình Đô thị giảm nhựa.

"WWF Việt Nam cam kết hỗ trợ quận Thanh Khê xây dựng các hoạt động cụ thể để xóa các điểm nóng, phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao nhận thức cho học sinh ở các trường học. Đồng thời, hỗ trợ quận xây dựng các kế hoạch, chiến lược lâu dài để có thể quản lý rác thải tốt hơn. Từ mô hình điểm của quận Thanh Khê sẽ được nhân rộng khắp không chỉ ở Đà Nẵng mà còn trong cả nước để giải quyết bài toán ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay", bà Thúy cho biết

Ông Lê Trung Minh Tân – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Thanh Khê cho biết, Thanh Khê là địa bàn được chính quyền TP. Đà Nẵng và các tổ chức lựa chọn triển khai thí điểm nhiều dự án bảo vệ môi trường.

"Trong năm 2021, với dự án đô thị giảm nhựa, quận sẽ tập trung vào công tác nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, sẽ tiến tới việc xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi", ông Lê Trung Minh Tân nói.