Tính đến tháng 12/2018, trên địa bàn thành phố có hơn 23.600 doanh nghiệp, với hơn 341.800 lao động. Giai đoạn 2013-2018, mỗi năm thành phố có thêm hơn 115.100 việc làm mới (tăng 23,28%/năm).

Dự báo đến năm 2025, Đà Nẵng cần có thêm hơn 250.000 lao động, đến năm 2030 là thêm 450.000 lao động; chủ yếu là các ngành mũi nhọn: dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin... Cụ thể, nhóm ngành dịch vụ đến năm 2025 tăng hơn 160.000 lao động và đến năm 2030 tăng 330.000 lao động. Tương tự, các nhóm ngành Công nghiệp - xây dựng đến năm 2025 tăng khoảng 67.000, riêng ngành Công nghệ thông tin tăng khoảng 22.000 lao động.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm thay đổi bản chất nhiều loại hình công việc, giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa, trí tuệ nhân tạo…đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với người lao động trong việc phải nâng cao kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng xã hội và kỹ năng phát triển bản thân.

Toàn Hội thảo

Toàn cảnh Diễn đàn

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, Đà Nẵng là địa phương triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp: Đà Nẵng luôn nằm trong các tỉnh, thành tốt và rất tốt về môi trường kinh doanh qua xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện hằng năm. TP. Đà Nẵng cũng ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ những chính sách đó, trong 10 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số PCI thì chỉ số thành phần về đào tạo lao động luôn được cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng đánh giá cao và đứng thứ nhất cả nước qua xếp hạng PCI 2018. Nhìn chung, chất lượng đào tạo lao động và giải quyết việc làm của thành phố đạt kết quả tích cực, góp phần vào việc phát triển doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của thành phố trong những năm vừa qua, đặc biệt là một số ngành có tốc độ tăng trưởng cao: du lịch, thương mại-dịch vụ,CNTT…

“Qua quan sát của VCCI Đà Nẵng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng về lao động và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi đánh giá cao Sở Lao động TB&XH Tp Đà Nẵng trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác này. Sở cũng đã chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động trong hợp tác với VCCI Đà Nẵng, các HHDN của Thành phố trong thúc đẩy liên kết đào tạo giữa các trường, cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá cao khu vực tư nhân của TP. Đà Nẵng với tinh thần không thụ động, không chờ đợi đã tham gia tích cực vào đào tạo một số lĩnh vực góp phần nâng cao các chỉ số dịch hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số đào tạo lao động của TP. Đà Nẵng” - ông Quang cho biết.

Giám đốc VCCI Đà Nẵng và Sở LĐTB&XH kí kết chương trình hợp tác nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và đẩy mạnh hoạt động đạo tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Giám đốc VCCI Đà Nẵng và Sở LĐTB&XH kí kết chương trình hợp tác nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và đẩy mạnh hoạt động đạo tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy phối hợp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại TP. Đà Nẵng”, ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND cho rằng để thành phố phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải có một đội ngũ lao động lành nghề, có kĩ nẵng, được đào tạo bài bản; có khả năng làm chủ được các phương tiên máy móc, làm chủ công nghệ.

Phó Chủ tịch UBND khẳng định: “Về thành phố, với vai trò quản lý nhà nước chúng tôi sẽ cam kết thực hiện việc kết nối, cung cấp thông tin, dự báo nguồn nhân lực cho từng ngành nghề theo từng giai đoạn, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động để doanh nghiệp và nhà trường chủ động có kế hoạch định hướng hiệu quả. Cần có những chính sách cụ thể và đồng bộ khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực vào đào tạo nhân lực đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền cũng như phân luồng lượng học sinh vào học nghề.”

 

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, từ năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2019, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo cho 123.823 học sinh, sinh viên ở 3 cấp trình độ, bình quân mỗi năm tuyển sinh 41.274 học sinh sinh viên. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 49,15% năm  2017 lên 51,10% năm 2018, ước đạt 53% vào cuối năm 2019, góp phần cung ứng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo thống kê, tỉ lệ học sinh sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay trên 70%, trong đó một số nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô tỉ lệ có việc làm đạt 90% - 100%. Tỉ lệ thất nghiệp của lao động được đào tạo nghề chỉ chiếm 10% - 12% trong tổng tỉ lệ thất nghiệp của thành phố.

Ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng, phần lớn doanh nghiệp thụ động, trông chờ vào nguồn nhân lực sẵn có để tuyển dụng, trông chờ vào sự đầu tư đào tạo của của nhà nước và xã hội nên không quan tâm, tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Doanh nghiệp chưa dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, chưa chủ động trong việc yêu cầu các cơ sở giáo dục nhà nước có kế hoạch cung ứng nguồn lực lao động lâu dài nên cơ sở đào tạo khó khăn trong định hướng kế hoạch đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nên chất lượng nguồn nhân lượng vẫn chưa được nâng cao.

Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang ở giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, trong đó ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng, chất lượng dịch vụ ở cấp độ cao hơn và thân thiện với môi trường hơn…thì rõ ràng chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực phải được xem là khâu đột phá, then chốt.