Được lòng sếp không phải là nịnh bợ hay dùng mánh khóe mà là biết cách làm việc hiệu quả với sếp và biết sếp muốn điều gì ở mình.

Đề án “Văn hóa công vụ” được công bố mới đây có đề cập tới văn hóa ứng xử với lãnh đạo cấp trên, cán bộ phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; Không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng...

Quy định mới này đã trở thành câu chuyện được nhiều quan tâm của dư luận trong những ngày qua. Bởi vì, chỉ đạo đang nhắm tới việc xử lý cả biểu hiện của hành vi nịnh bợ. Tuy nhiên, để hiểu “động cơ không trong sáng” cụ thể là như thế nào lại là vấn đề không phải dễ.

Có thể nói, thời nào mà chả có kẻ xum xoe, thời nào mà chả có người ưa nịnh. Còn “mật đắng” hay “mật ngọt” chỉ có những người tỉnh táo bên ngoài mới nhận ra. Trong lịch sử, có không ít giáo huấn về việc này và theo sử sách “Đông Tây Kim Cổ”, kẻ thành đạt, giàu có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh hót thì chưa ai vượt qua được Hòa Thân.

Khi Càn Long hứng chí làm thơ, Hòa Thân ca tụng hết lời: “Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế!”. Hễ có dịp là Hòa Thân ca tụng: “Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!” Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế, Hòa Thân từ một tên quan hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và giàu có tột đỉnh. Tài sản nhà họ Hòa còn lớn hơn ngân khố quốc gia

Sử sách là thế, còn hiện thực cuộc sống thì sao? Làm việc trong một tập thể lớn ai chẳng mong muốn có một cơ hội thăng tiến để phát triển bản thân và sự nghiệp. Có người sẽ thể hiện tài năng và tâm huyết để đạt được mục tiêu mình mong muốn. Có người không đủ năng lực thì sẽ chơi chiêu, dùng mánh khóe. Môi trường công sở là nơi chúng ta nhìn rõ nhiều bộ mặt, tính cách của con người nhất.

Tất nhiên, ai chẳng muốn nghe những lời khen! Ở công sở nào cũng có những nhân viên thích nịnh Sếp và lấy sự nịnh bợ đó làm bệ phóng cho công việc của bản thân. Trong khi Sếp là người có quyền lực nhất ở cơ quan, mọi quyết định đều nằm trong tay Sếp nên tất nhiên nhân viên nào cũng muốn mình có một hình ảnh nhất định trong lòng sếp.

Thực tế cho thấy, đề án “Văn hóa công vụ” trên là mong muốn tạo một môi trường công sở “liêm chính – kiến tạo”. “Chuyện văn hóa công sở cũng giống với văn hóa ứng xử của người đi đường vậy, muốn người đi đường không vứt rác bừa bãi thì phải có thùng rác công cộng để người dân không vứt rác ra đường. Nhưng một khi, có thùng rác công cộng mà người dân vẫn vứt rác bừa bãi thì phải có cơ chế xử phạt thật nặng, xử thật nghiêm, xử công khai” – một chuyên gia nhận xét.

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu môi trường cơ quan làm việc tốt, cấp trên đối với cấp dưới đàng hoàng, minh bạch thì cấp dưới đối với cấp trên cũng sòng phẳng, đàng hoàng; Nhân viên với nhân viên cũng hòa đồng, trách nhiệm. Nếu tất cả cơ quan, đồng nghiệp không ai nịnh bợ Sếp thì người có hành vi nịnh bợ sẽ tự bị lộ ra. Ngược lại, tất cả cùng nịnh bợ thì ai phát hiện ai? Ai muốn xử lý ai?

Nói cách khác,  quy định trong đề án chỉ là cách xử lý phần ngọn, muốn giải quyết triệt để hiện tượng trên thì cần phải đi từ gốc, tức là sàng lọc ngay từ khâu tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo chứ không chỉ chấn chỉnh từ nhân viên. Vì thế, cùng với việc đưa ra các quy định chấn chỉnh thái độ, văn hóa ứng xử, làm việc của nhân viên thì cần bổ sung thêm quy định về văn hóa từ chức đối với những người lãnh đạo không đủ uy tín, năng lực làm việc.

Suy cho cùng, người ưa nịnh thì dễ bị lợi dụng, lãnh đạo ưa nịnh thì kẻ dưới tác loạn, chính quyền ưa nịnh thì giả dối tràn lan. Nịnh bợ và giả dối là bạn đồng hành, chứ có bao giờ trong sáng đâu. Muốn xã hội trở nên lành mạnh trở lại, không thể nào không bài trừ thói nịnh bợ và giả dối!