WeWork và đồng sáng lập kiêm cựu CEO, Adam Neumann, đã đạt được thỏa thuận pháp lý với SoftBank, trong một phiên tòa bắt đầu vào ngày 4 tháng 3 năm 2021.

Cuối cùng cuộc chiến pháp lý lâu dài giữa Softbank và WeWork đã kết thúc trong hòa bình.

Cuối cùng cuộc chiến pháp lý lâu dài giữa Softbank và WeWork đã kết thúc trong hòa bình.

Thỏa thuận sẽ khiến tập đoàn của Nhật Bản kiểm soát WeWork, đồng thời mang lại cho Neumann một “niềm vui tài chính” trên con đường ra đi.

COO của SoftBank, Marcelo Claure, người đồng thời là chủ tịch điều hành của WeWork, cho biết trong một tuyên bố rằng thỏa thuận này cho thấy tất cả các bên “đang làm những gì tốt nhất cho tương lai của WeWork.”

Thỏa thuận cho phép Neumann chuyển khoảng 480 triệu USD cổ phiếu cho SoftBank, đồng thời yêu cầu anh phải tránh xa vai trò của mình trong hội đồng quản trị WeWork trong một năm. SoftBank cũng sẽ trả cho Neumann 50 triệu USD để trang trải các khoản phí pháp lý và 50 triệu khác bổ sung như một phần của khoản phí không cạnh tranh đã hứa. Neumann cũng được gia hạn 5 năm đối với khoản vay 430 triệu USD từ SoftBank.

Thỏa thuận này có nghĩa là Neumann sẽ phải bán khoảng 1/4 vị trí của mình tại WeWork và việc dàn xếp sẽ chấm dứt tranh chấp pháp lý cấp cao giữa Neumann và SoftBank, vốn là tập đoàn ủng hộ nhiệt tình nhất của anh trong nhiều năm. 

Quay trở lại thời gian, năm 2019, sau khi đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của WeWork thất bại, Newmann đã bị buộc từ chức và tập đoàn Nhật Bản đã đồng ý mua 3 tỷ USD cổ phiếu từ Neumann và các cổ đông khác như một phần của gói cứu trợ, trong đó có khoảng 1 tỷ USD từ Neumann.

Nhưng khi ngày bán cổ phiếu đến gần vào đầu năm 2020 và WeWork đang phải chứng kiến các hoạt động kinh doanh bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch COVID-19, thì bất ngờ SoftBank rút khỏi thương vụ, với lý do lo ngại về luật pháp và các cuộc điều tra của chính phủ đối với công ty.

Cực chẳng đã, Neumann đệ đơn kiện, cáo buộc rằng SoftBank và Quỹ Vision đã rút lại lời đề nghị vì "sự hối hận của người mua". Và một phiên tòa trực tuyến tại Delaware Chancery Court đã được lên kế hoạch bắt đầu vào ngày 4 tháng 3 năm 2021.

Adam Neumann, người sinh ra ở Israel và lớn lên trong một kibbutz (Công xã hiện đại kiểu Israel, nơi sinh hoạt, làm việc chung và không tài sản riêng - PV), đã gây bão trong thế giới khởi nghiệp công nghệ với công ty của mình trong những năm 2010. Vào thời kỳ đỉnh cao của sự nổi tiếng, WeWork là một kỳ lân chói sáng được định giá 47 tỷ USD, và người sáng lập SoftBank Masayoshi Son đã công khai ca ngợi tầm nhìn của Neumann.

Adam Neumann người đồng sáng lập và cựu CEO của WeWork.

Adam Neumann người đồng sáng lập và cựu CEO của WeWork.

Thực chất WeWork là một công ty bất động sản, dịch vụ cốt lõi của họ là thuê văn phòng theo hợp đồng dài hạn, sửa sang lại và chia nhỏ không gian để cho người làm việc tự do, công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp khác thuê lại theo hợp đồng ngắn hạn.

Nhưng vào thời điểm năm 2019, WeWork đã bị đánh giá là đối mặt với nguy cơ phá sản khi IPO thất bại và SoftBank gây sức ép buộc Neumman từ chức CEO. Công ty sa thải hàng nghìn nhân viên, tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, tìm cách khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Khi đồng ý với gói cứu trợ của SoftBank, định giá của WeWork rơi vào khoảng 8 tỷ USD. SoftBank vẫn đánh giá rất cao tiềm năng của WeWork, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, nơi có diện tích văn phòng đắt đỏ và thời gian đi làm của công nhân có xu hướng dài. 

Mặc dù vậy, trong cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng năm này, SoftBank cho rằng, thỏa thuận dàn xếp không phải là sự thừa nhận trách nhiệm pháp lý hoặc hành vi sai trái của họ, cũng như không có bất kỳ vấn đề nào của tòa án đối với Softbank. Việc dàn xếp vụ kiện này chỉ là việc họ muốn một tương lai tốt đẹp cho WeWork.