Trong bối cảnh đó, Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khẩn trương nghiên cứu thực hiện các chính sách và giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

Hệ lụy nhãn tiền

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, trong tháng 11, cả nước có 2.771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 4.471 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.941 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Lũy tiến, trong 11 tháng có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 44,4 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 59,7%; 33,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 11,7%; hơn 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,1%. Trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đến thời điểm trung tuần tháng 9 năm 2020 có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch. Tuy vậy, cũng có 3,3% số doanh nghiệp nhận được ảnh hưởng tích cực từ đại dịch, các doanh nghiệp này hoạt động trong những ngành như bảo hiểm, y tế, bưu chính và chuyển phát, ....

Nhận định về “sức khỏe” hiện nay của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, sức chống chịu của doanh nghiệp hiện đã rất yếu, nhất là căng thẳng về dòng tiền. Từ đợt dịch đầu tiên, các doanh nghiệp hầu hết đều chịu tác động lớn, hoạt động gần như tê liệt.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành da giày vẫn chưa tìm được sản phẩm thay thế; dệt may dù chuyển hướng sang một số sản phẩm phòng, chống dịch (như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ) nhưng thực tế từ tháng 7 đến nay, đơn hàng mới rất khan hiếm. Du lịch, lữ hành quốc tế hoàn toàn tê liệt, hầu như không có giải pháp nào khả thi trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại.

Hầu hết các doanh nghiệp đã kiệt lực, không còn sức suy nghĩ đến giải pháp chống chịu, chỉ quan tâm làm cách nào tiết giảm dòng tiền chi ra. Nhiều doanh nghiệp luôn bị căng thẳng với nhiều khoản chi phí phải đóng cho Nhà nước như tiền thuê đất, thuế phí, ...

Chính phủ cần có thêm những giải pháp kịp thời

Với những hệ luỵ của đại dịch COVID-19 gây ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các chính sách và giải pháp phù hợp, có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp hậu COVID-19, các chuyên gia kinh tế kiến nghị, Chính phủ cần cho rà soát lại các gói hỗ trợ trong bối cảnh làn sóng COVID-19 bùng phát lần thứ hai để nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng. Tiếp đó, cần mở rộng những gói hỗ trợ này cả về thời gian, thời hạn và đối tượng cần hỗ trợ, không tăng thêm các khoản thuế phí, các gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trước đây, Chính phủ đã chấp thuận gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập và tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm tháng, được doanh nghiệp đánh giá là chính sách hiệu quả trong nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai. Do đó, trong tình hình mới lần này, cần tiếp tục xem xét cho giãn, hoãn các khoản thu, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ sức chống chịu dịch bệnh khi nguồn lực đã cạn kiệt.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần đáp ứng 4 mục tiêu: Đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu COVID-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp, tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, sử dụng ngân sách Nhà nước cấp tiền hoặc cho vay ưu đãi để các doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn. Rà soát lại các quy định, điều kiện, nới lỏng các yêu cầu về điều kiện thụ hưởng, đổi mới công tác triển khai cũng như xoá bỏ các quy định cồng kềnh để doanh nghiệp có thể thụ hưởng chương trình hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách và gói hỗ trợ tín dụng..

“Khi nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng sau đại dịch, chính sách tài khoá cần chuyển hướng sang hỗ trợ có trọng tâm để bảo vệ cho các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, hỗ trợ tạo động lực cơ cấu lại nền kinh tế; hỗ trợ đầu tư trong nước hiệu quả hơn và hỗ trợ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc để tranh thủ được xu hướng chuyển dịch đầu tư trực tiếp nước ngoài do đại dịch tạo ra”, ông Lâm nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, để nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng có thể phục hồi và phát triển trong dài hạn, bên cạnh những hỗ trợ thiết thực và kịp thời từ phía Chính phủ thì việc ban hành những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp như phí, thuế,… cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để không làm gia tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.