>> Truyền thông đối ngoại với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo (Bài 1)

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Vừa qua, Đài Loan lại thông báo tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc này đã để lại nhiều sự phản đối trong dư luận vì  nó xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạt thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này; đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Cần biết, Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện bị Đài Loan chiếm giữ trái phép. Từ năm 2000, Đài Loan đã chuyển quyền phòng vệ đảo Ba Bình từ lực lượng thủy quân lục chiến sang lực lượng tuần duyên.

Đài Loan thường xuyên điều lực lượng tuần duyên đến đây, đã nâng cấp trái phép cảng biển trị giá 100 triệu USD và xây ngọn hải đăng mới trên đảo Ba Bình. Đài Loan đã nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình và Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này.

Ngoài ra, Đài Loan còn tổ chức nhiều hoạt động khác nhắm khẳng định chủ quyền trái phép của mình như: Đưa trái phép tên lửa phòng không tầm ngắn đến đảo Ba Bình; Tổ chức trái phép cho Lãnh đạo cấp cao và đoàn truyền thông quốc tế tham quan đảo Ba Bình thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chính việc này cũng được Mỹ - đồng minh lớn nhất của Đài Loan, cho rằng chuyến thăm của lãnh đạo Đài Loan là hoàn toàn vô ích và không đóng góp cho việc giải quyết hòa bình tranh chấp. 

Hoặc, Đài Loan cũng từng ngang nhiên kêu gọi toà trọng tài quốc tế không ra phán quyết về vụ kiện ở Biển Đông nếu các thẩm phán chưa đến thăm đảo Ba Bình, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cơ quan đối ngoại Đài Loan tuyên bố: “Nếu toà quyết định không đáp lại lời mời chân thành của chúng tôi, họ không nên ra phán quyết về trạng thái pháp lý của đảo Ba Bình”. 

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: SCMP

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: SCMP

>> Truyền thông đối ngoại với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo (Bài 2)

>> Báo chí trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo

>> Bảo vệ chủ quyền biển đảo từ góc độ văn hóa

>> “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững chủ quyền biển đảo

Về phía Việt Nam, Việt Nam có bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối mọi hành động quân sự trái phép được tiến hành ở khu vực này.

Dĩ nhiên, chúng ta đã trải qua rất nhiều năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy xung đột vũ trang kéo theo rất nhiều hệ lụy và hậu quả khủng khiếp lâu dài. Người dân Việt Nam hơn ai hết mong muốn hòa bình, ổn định và phát triển. Chúng ta yêu hòa bình chứ không mong muốn chiến tranh. Do đó, với vấn đề Biển Đông, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình.

Một lợi thế mà chúng ta đang có được là sự lớn mạnh về ngoại giao. Những năm gần đây, khi vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã nhiều lần nêu vấn đề Biển Đông để cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, đúng đắn về Biển Đông, để chung tay bảo vệ và duy trì hòa bình trên Biển Đông.

Dù có lúc tình hình trên Biển Đông nhiều lúc căng thẳng, phức tạp, Việt Nam bằng quan điểm nhất quán của mình vẫn có những hành động đúng đắn. Rằng, chúng ta kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông bằng các biện hòa bình, dựa trên chứng cứ pháp lý, lịch sử và luật pháp quốc tế, lực lượng vũ trang Việt Nam vẫn ngày đêm bám biển, sẵn sàng canh giữ và thực hiện các phương án bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Và chúng ta đã đạt được mục tiêu, đó là giữ vững chủ quyền biển, đảo, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, không để xảy ra xung đột.

Qua đó càng chứng minh chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Việt nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.