Cũng chính vì vậy, đề án xây dựng cán bộ cấp chiến lược trở thành một trọng tâm và thu hút sự chú ý của công luận. 

Tất nhiên, không thể không nhắc tới bối cảnh ra đời của đề án ấy. Dễ thấy, đó chính là yêu cầu từ thực tiễn khi từ đầu nhiệm kỳ XII, Đảng phải tiến hành những hình thức kỷ luật, thậm chí là cao nhất đối với cả các cán bộ cấp cao.

Đầu tiên có thể kể đến ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM. Gần đây nhất là bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Thậm chí ngay cả những người về hưu như ông Vũ Huy Hoàng, từng là Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Lê Khắc Thanh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đà Nẵng cũng bị xử lý.

Hội nghị Trung ương 7 khai mạc trong bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều cán bộ cao cấp, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử.

Hội nghị Trung ương 7 khai mạc trong bối cảnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiều cán bộ cao cấp, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử.

Điều đáng bàn là hầu hết các cán bộ cấp cao ấy, nếu nói theo cách của công tác tổ chức, đã được đào tạo bài bản, rèn luyện từ cơ sở, có đầy đủ phẩm chất, năng lực… Vậy thì những kết quả xử lý của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Bí thư đối với những đảng viên, cán bộ sai phạm cho thấy vẫn còn nhiều kẽ hở trong công tác cán bộ.

Những cán bộ, đảng viên cấp cao sai phạm như kể trên không chỉ phương hại đến Đảng, mà còn nguy hại đối với chính đất nước khi mà Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn đang là đảng cầm quyền duy nhất trên đất nước này. Nguồn lực vật chất và phi vật chất của quốc gia đương nhiên sẽ bị tổn thương khi chính Hiến pháp đã trao cho Đảng “lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội”.

Thực tế đã cho thấy, muốn lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội cách hiệu quả, không có gì khác hơn là phải có một đội ngũ lãnh đạo xuất sắc, có đủ tâm, đủ tầm để giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển.

Về lý thuyết và những tiêu chí cụ thể, chắc chắn đề án xây dựng cán bộ cấp chiến lược được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 lần này đã bao quát khá đầy đủ. Nhưng từ thực tế có nhiều đảng viên các cấp sai phạm hiện nay và công cuộc phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, thì những tiêu chí quan trọng khác có lẽ là rất cần thiết.

Trong sạch, có lẽ đây phải là tiêu chí hàng đầu. Công luận có thể chính xác, có thể không, nhưng thực tế phải là một người trong sạch thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới có thể tập hợp được lực lượng để tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng có những kết quả bước đầu như hiện nay. Phải thừa nhận rằng, dù còn nhiều vấn đề về tiến độ… nhưng nếu không có một đội ngũ trợ thủ đắc lực, thì Tổng Bí thư sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa trong cuộc chiến “chống nội xâm”.

Truyền thống của dân tộc cho thấy, chỉ khi nào tập hợp được “hiền tài”, thì mọi quyết sách, định hướng mới đem lại “hồng phúc” cho dân tộc. Chẳng vậy mà cha ông đã nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, cha ông ta đã cụ thể hóa hơn các bài học về “dụng nhân như dụng mộc”. Các giai đoạn thịnh trị của các triều đại đều chưa bao giờ vắng bóng nhân tài. Bởi chính họ là “rường cột” của quốc gia, là bệ đỡ cho thể chế.

Trọng dụng nhân tài, bởi thế, chưa khi nào là bài học lạc hậu cho bất kể thể chế nào. Trước đây, khi có nhiều cán bộ sai phạm, cách lý giải thường thấy là “vẫn đúng quy trình, quy định”, do thể chế, cơ chế. Quả đúng là có vấn đề “cơ chế xin – cho” trong thực tế như chính TS Võ Đại Lược từng nói: “Cơ chế xin cho không có chỗ cho nhân tài”. Nhưng rõ ràng khi xem lại các quy định, quy trình của Đảng trong công tác cán bộ, thì đó là một quy trình vô cùng chặt chẽ khiến những kẻ bất tài, biến chất rất khó chui lọt.

Vấn đề đặt ra là vì sao dù rất chặt chẽ, mà các quy trình, quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí vẫn bị vi phạm, vượt qua theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”? Là vì có một nguyên lý rằng: quy trình dù chặt chẽ đến đâu nếu con người “lỏng lẻo” phẩm chất thì vẫn có thể phá hỏng quy trình.

Việc dân gian tổng kết “5 ệ”: Hậu duệ, đồ đệ, quan hệ, ngoại lệ, tiền tệ… và hậu quả của những cái “ệ” này là “5 đ”: đố điều đi đâu được. Sự lũng đoạn quy trình cán bộ như kể trên khó có gì phủ nhận được khi hàng loạt sai phạm từ cấp cao đến… cấp thấp đều là hậu quả của những “ệ” kể trên.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thời kỳ đầu của cách mạng hay giai đoạn đầu thống nhất đất nước. Những lãnh tụ hay lãnh đạo hẳn đã không bao giờ đặt con cái mình vào những vị trí béo bở khi nắm quyền. Thậm chí như hai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải còn yêu cầu điều chuyển con mình khỏi những vị trí ở doanh nghiệp khi nắm quyền thủ tướng.

Còn hiện nay, những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ, những vụ một huyện “cả nhà làm quan” đều cho thấy nhiều lãnh đạo phải chọn chỗ “ngon” cho con cái, người thân bất chấp kỷ cương, nguyên tắc, thủ tục.

Bởi vậy, dù đề án xây dựng cán bộ cấp chiến lược có chi tiết đến đâu, tổng kết sau bao nhiêu năm, thì cái cuối cùng phải làm cho được chính là: “Đảng phải nâng cao năng lực thu hút và trọng dụng nhân tài”.