Trong nhiều thập kỷ, Thái Lan vốn được xem là trung tâm chiến lược của Nhật Bản ở với Đông Nam Á. Nhưng từ khi Trung Quốc xuất hiện với nguồn tài chính dồi dào, mọi chuyện đã khác.

Trung Quốc tăng ảnh hưởng khắp ASEAN

Singapore là quốc gia phát triển nhất ASEAN. Trong khu vực, quốc đảo này có mối quan hệ khăng khít nhất với Washington. Theo giới quan sát, chính vị trí địa chính trị đặc biệt này, là lý do vì sao Trung Quốc muốn vươn tầm ảnh hưởng của mình tới đây.

 "Nếu Bắc Kinh có thể vươn tay tới Singapore và đưa quốc gia này vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình, điều đó có nghĩa là Singapore sẽ hạn chế bớt mối quan hệ an ninh với Mỹ, từ đó Bắc Kinh sẽ có thể có được bàn đạp để tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực ASEAN”, Giáo sư Stephen Nagy tại Đại học Christian (Nhật Bản) nhận định.

Singapore cũng là cửa ngõ vào eo biển Malacca, điểm dừng chân trong hành lang hàng hải nối liền từ Trung Đông giàu dầu mỏ với Đông Á "đói" năng lượng.

Quy mô tuyến đường sắt theo liên Á, nối liền Côn Minh của Trung Quốc, qua Thái Lan, Lào, Malaysia và kết thúc tại Singapore

Quy mô tuyến đường sắt theo liên Á (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Tuy nhiên, sự thay đổi mạnh mẽ trong chính trị Malaysia đã khiến kế hoạch của Trung Quốc đối với Singapore bị trì hoãn.

Sau cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018, Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad đã quyết định xây dựng tuyến đường sắt dọc bờ biển phía Đông trị giá 20 tỷ USD với 688 km nối từ phía nam Thái Lan đến Kuala Lumpur, thay vì tập trung xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 350 km nối giữa Kuala Lumpur và Singapore.

Thủ tướng Mahathir Mohamad đã mô tả các dự án của Trung Quốc là "các hiệp ước bất bình đẳng". Đây là cụm từ do chính Trung Quốc sử dụng để nói về các hiệp ước mà Trung Quốc từng ký với các nước lớn vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Bất chấp những chỉ trích như vậy, các nhà kinh tế cho rằng các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hậu thuẫn vẫn sẽ tiếp tục, do Đông Nam Á rất cần cơ sở hạ tầng.

Nicolas Veron, Viện kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ). "Mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức về nhân khẩu học, giống như các quốc gia khác trong khu vực, nhưng tiềm năng tăng trưởng của quốc gia này vẫn rất tốt”.

Giấc mơ về một tuyến đường sắt xuyên Á bắt nguồn từ thời thuộc địa khi Pháp cố gắng phát triển một mạng lưới đường sắt kết nối các thuộc địa của họ ở Đông Dương. Năm 1995, các thành viên ASEAN đã nắm bắt một ý tưởng tương tự, phản ánh khát vọng thống nhất toàn bộ Đông Nam Á theo sáng kiến của mình.

Từ những năm 1990, Nhật Bản đã hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giúp ASEAN xây dựng các hành lang giao thông trên toàn khu vực - theo mô hình của Nhật Bản.

Thái Lan được định hình là nền tảng để xây dựng các liên kết cơ sở hạ tầng với các phần còn lại của nội địa Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, kết nối đường sắt với Trung Quốc không phải là một ưu tiên.

Mọi thứ thay đổi khi Trung Quốc ập đến đến với tiền, nhân lực và công nghệ. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) trị giá hàng trăm tỷ USD đã được các nước ASEAN háo hức đón nhận như một "miếng bánh" khổng lồ.

Các hợp đồng xây dựng của Trung Quốc tại ASEAN đã đạt tổng cộng ít nhất 19 tỷ USD trong năm 2017, nhiều hơn gấp đôi năm năm trước - theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ.

Sáng kiến BRI: Cứu cánh hay bẫy nợ cho Lào?

Hơn ai hết, Lào - một quốc gia nhỏ bé nằm giữa Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, là nơi nhiệt liệt chào đón dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Lào có dân số dưới 7 triệu người và được Liên Hợp Quốc xếp vào nhóm "quốc gia kém phát triển nhất". Nhưng bất chấp những lo ngại về khả năng thanh toán của Lào, Trung Quốc vẫn ủng hộ dự án đường sắt cao tốc với vận tốc 160km/h.

Nhằm hình thành nên tuyến đầu tiên của mạng lưới đường sắt châu Á . Theo đúng kế hoạch, tuyến đường dài 417 km đang được xây dựng, sẽ nối thủ đô Viêng Chăn của Lào với thành phố Côn Minh phía nam Trung Quốc.

Một dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc hậu thuẫn ở Lào đã bị trì hoãn bởi sự chậm trễ

Một dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc đầu tư tại Lào bị chậm tiến độ

Dự án đã được Quốc hội Lào phê duyệt vào năm 2012, bất chấp những lo ngại rằng Viên Chăn không thể chi trả cho tổng chi phí xây dựng khoảng 6 tỷ USD.

BRI ra mắt vào năm 2013, được xem là “cứu cánh” cho dự án này của Lào khi Bắc Kinh đồng ý gánh 70% tổng chi phí xây dựng!

Theo đó, dự án được khởi công vào năm 2015, và việc xây dựng bắt đầu vào cuối năm 2016. "Chúng tôi hy vọng rằng việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ khuyến khích và thúc đẩy đầu tư và hợp tác”, Thủ tướng Lào, Thongloun Sisoulith cho biết.

Địa hình của Lào đặt ra những thách thức không nhỏ. Tuyến đường sắt bao gồm tới 167 cây cầu và 75 đường hầm chạy dọc đất nước. Thế nhưng, dự án xây dựng tuyến đường xuyên biên giới này lại không tạo ra nhiều việc làm cho nhân công địa phương như kỳ vọng.

Tại các dự án này, phía Trung Quốc đa phần sử dụng các kỹ sư và công nhân là người Trung Quốc. Từ thực tế đó, mặc dù trên hình thức là Trung Quốc đầu tư vào Lào, nhưng trên thực tế, đa phần dòng tiền đầu tư này vẫn chỉ chảy trong “ao tù” là cộng đồng người Trung Quốc.

Giới quan sát đã chỉ ra nguy cơ gia tăng nợ của Lào, đồng thời đưa ra các bằng chứng cho thấy quốc gia Đông Nam Á này nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Vào tháng 3, Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Mỹ đã cảnh báo về sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tổ chức này đã chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Lào là một trong số 8 quốc gia có tỷ lệ nợ cao nhất đối với Trung Quốc trong số 68 quốc gia được tài trợ theo BRI

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Trung tâm này cũng lưu ý rằng, tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào chiếm gần một nửa GDP của Lào, cùng với đó là cảnh báo của IMF: "dự án có thể đe dọa khả năng phục vụ các khoản nợ của quốc gia này".

Thái Lan: Lợi thế từ mối quan hệ trong quá khứ.

Tại Thái Lan, hiện có khoảng 9 triệu người Hoa đang sinh sống - đây được xem là cộng đồng người Hoa lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Thái Lan trong lịch sử có mối quan hệ khá chặt chẽ với Trung Quốc.

Năm 2014, Trung Quốc đã trúng thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối từ Bangkok đến Nong Khai - một thị trấn biên giới với Lào. Mặc dù tiến độ bị chậm, đến tháng 12/2017, dự án đã được khởi công.

Nhà ga trung tâm Bang Sue đang được xây dựng tại Bangkok dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 1 năm 2021

Một nhà ga được xây dựng tại Bangkok, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vài năm nữa

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan và nổi lên là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai sau Nhật Bản.

Hơn 10 triệu du khách từ Trung Quốc đến Thái Lan mỗi năm, cung cấp một nguồn ngoại hối quan trọng cho nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp trong bối cảnh bất ổn chính trị liên miên.

Nhưng một số người ở Thái Lan đã lên tiếng về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc: "Thái Lan phải có chiến lược tạo ra sự cân bằng giữa các khoản đầu tư của các quốc gia khác nhau, không phụ thuộc hay thiên vị một quốc gia nào đó", Tiến sĩ Anusorn Tamjai, cựu thành viên của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, cho biết.

Trung Quốc cũng đang chạy đua thầu một tuyến đường sắt cao tốc dài 220 km kết nối hai sân bay quốc tế phục vụ Bangkok - Suvarnabhumi và Don Mueang - và một cửa ngõ thay thế thứ ba ở U-Tapao.

Tập đoàn China Railway Construction (Trung Quốc) đang đấu thầu dự án trị giá 7 tỷ USD này, trong khi các công ty Nhật Bản, bao gồm cả Hitachi, Itochu và công ty xây dựng Fujita đã quyết định đứng ngoài, vì lý do thiếu khả năng tài chính!

Ông Kent Calder, giáo sư tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết: "Tôi không nghĩ rằng mối quan hệ sâu sắc được tạo ra bởi đường sắt sẽ đảm bảo một sự chuyển đổi cơ bản. Những gì họ làm là tăng cường mối ràng buộc mạnh mẽ trong ít nhất 200 năm giữa Thái Lan và Trung Quốc".  Ông nói thêm: "Đây có thể là bất lợi của Nhật Bản."

Sự cạnh tranh giữa các nước là điều dễ dàng có thể nhận thấy. Mỹ đã thông báo kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Kế hoạch này bao gồm 113 triệu USD dành cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, cùng với sự gia tăng về mức độ hỗ trợ tài chính mà Washington cam kết dành cho các nước trong khu vực.

Động thái trên của Mỹ được cho là nhằm cạnh tranh với nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy vậy, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các nước nên có hành động cụ thể, thay vì chỉ "thùng rỗng kêu to".