Theo tính toán của Bộ KHĐT, đến hết quý I, giới đầu tư Trung Quốc đã đổ hơn 5,87 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó hơn 4,17 tỷ USD vào góp vốn, mua lại cổ phần doanh nghiệp Việt.

br class=

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam

Sự chuyển dịch của dòng FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng không quá ngạc nhiên, bởi nó đã được các chuyên gia nhận định từ cuối năm ngoái. Mục đích của nhà đầu tư Trung Quốc nhắm tới Việt Nam là nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA, mặt khác họ phòng ngừa rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Nhưng điều đáng nói là hơn 70% trong số vốn đó lại thông qua việc tìm mua cổ phần của các doanh nghiệp. Số vốn đầu tư mới, tăng thêm chỉ 1,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 30% tổng lượng vốn mà các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt liên tục nhận được những liên hệ từ phía nhà đầu tư Trung Quốc ngỏ ý muốn tham gia cổ phần, thậm chí là mua đứt nếu doanh nghiệp bán. Giới đầu tư Trung Quốc thường tìm các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu, thép xây dựng, điện tử, điều… để tìm cách mua lại hoặc tham gia cổ phần. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như: logistics, bất động sản, dịch vụ tài chính và lữ hành... cũng được giới đầu tư Trung Quốc đặc biệt săn lùng.

Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Hạt điều Gia Bảo cho biết, gần đây doanh nghiệp này nhận được sự “đánh tiếng” của 3 doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua công ty hoặc tham gia cổ phần và nhường phần điều hành công ty. Tuy nhiên, ông Sơn đã từ chối.

Theo các chuyên gia, thị trường nội địa Trung Quốc ngày càng làm ăn khó khăn và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn dai dẳng, chưa có hồi kết. Việc Mỹ đánh thuế cao đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị thiệt hại nặng nề. Vì vậy, họ buộc phải tìm “cửa” tại các thị trường láng giềng khác trong khu vực và Việt Nam là một sự lựa chọn tốt nhất trong thời điểm này.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, việc phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu các doanh nghiệp Việt không tính toán kỹ sẽ rất dễ bị thâu tóm chiếm lĩnh thị phần. Và sẽ không tránh khỏi việc tuột mất cơ hội từ FTA, CPTPP… mang lại.

Thậm chí, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu còn cho rằng, cần phải có kế hoạch để ứng phó với vấn đề này. Theo đó, việc hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc trong chừng mực và phải tính toán kỹ những cơ hội cũng như bất lợi trước khi quyết định hợp tác đầu tư, kinh doanh.