Trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp gần 5 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 123 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 20 lần.
Là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi có đường bờ biển dài gần 130 km, hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, có hệ thống đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 1A chạy qua; quốc lộ 24A nối Quảng Ngãi với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, kết nối với các tỉnh phía Nam của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

p/Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tạo cú hích cho công nghiệp Quảng Ngãi phát triển.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tạo cú hích cho công nghiệp Quảng Ngãi phát triển.

Công nghiệp tạo đòn bẩy

Với nhiều tiềm năng lợi thế, sự năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, sau 30 năm tái lập tỉnh, quy mô và cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn nhất là sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động năm 2009.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 ước đạt 51.627 tỷ đồng, so với năm 1989, gấp 19 lần. Trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản gấp gần 5 lần, công nghiệp - xây dựng gấp 123 lần, dịch vụ tăng gấp hơn 20 lần. Tăng trưởng GRDP bình quân 10,6%/năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18%/năm; dịch vụ tăng 11%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,6%/năm.

Quảng Ngãi đã xây dựng thành công các khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, khu công nghiệp VSIP và 18 cụm công nghiệp ở các địa phương. Đặc biệt, sự hình thành và phát triển thành công của Khu Kinh tế Dung Quất với định hướng là phát triển các ngành công nghiệp lọc hóa dầu, cơ khí chế tạo, luyện kim, công nghiệp nghiệp phục vụ kinh tế biển.

Đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh đã hình thành một số sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: các sản phẩm xăng, dầu, hạt nhựa của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các sản phẩm siêu trường, siêu trọng như lò hơi, thiết bị nâng hạ, hệ thống khử nước mặn của Doosan Vina, các thiết bị điện của GE, sản phẩm điện tử… ngoài việc cung cấp cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước tiên tiến trên thế giới. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu của Quảng Ngãi đạt mức tăng trưởng cao, trong đó, tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp chế biến cả về sản lượng và chủng loại - Từ mức kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 834 ngàn USD năm 1990, tăng lên 271 triệu USD năm 2010 và đạt 591 triệu USD năm 2018, gấp hơn 700 lần so với những năm đầu tái lập tỉnh.

Đa dạng hoá nguồn lực

Để có được kết quả trên, trong những năm qua, Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; chú trọng xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Nếu như trong giai đoạn 1990-1999 ở Quảng Ngãi mới chỉ có 68 doanh nghiệp được thành lập thì đến giai đoạn 2000-2005 số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 710 doanh nghiệp, tăng gấp hơn 10 lần so với giai đoạn 1990-1999. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 7.619 doanh nghiệp được thành lập, với nhiều loại hình khác nhau; hiện có 5.096 doanh nghiệp đang hoạt động.

p/Các doanh nghiệp Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tỉnh Quảng Ngãi

Các doanh nghiệp Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ đầu tư với tỉnh Quảng Ngãi

Trong những năm qua, môi trường đầu tư tại tỉnh không ngừng được nâng cao, cải thiện. Tỉnh đã ban hành và triển khai áp dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Nếu như năm 1995, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh với quy mô rất nhỏ, vốn đầu tư là 0,42 triệu USD, thì đến năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút được 61 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 1,76 tỷ USD. Trong đó, có 31/61 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm.

Đối với các dự án đầu tư trong nước, tính đến thời điểm hiện tại có 518 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đầu tư 231.686 tỷ đồng. Thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn như: Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (3 tỷ USD); dự án Polypropylene Dung Quất (232 triệu USD), Thủy điện Đakdrinh (5.800 tỷ đồng) và gần đây nhất là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất (60.000 tỷ đồng) cùng nhiều dự án lớn đã triển khai và đi vào hoạt động.

Theo ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tập trung vào 3 nhiệm trọng tâm là: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; Phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo; Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và 3 nhiệm vụ đột phá: Phát triển công nghiệp; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngày 2/7/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 nhân kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh

Với chủ đề “Quảng Ngãi - Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Quảng Ngãi sẽ quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ban tổ chức, cùng đại diện các ngành, đơn vị, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trao đổi thông tin, cơ hội, thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi. Đồng thời, Hội nghị cũng là dịp để các đối tác đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân đưa ra những ý kiến mang tính xây dựng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Tại Hội nghị sẽ diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác về đầu tư phát triển giữa UBND tỉnh Quảng Ngãi với Tập đoàn Hòa Phát; Ký kết thỏa thuận giữa Ngân hàng và Nhà đầu tư . UBND tỉnh sẽt trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư, Thỏa thuận đầu tư cho các dự án: Dự án Bệnh viện Thái Bình Dương tại phường Trương Quang Trọng, tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng; Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Mộ Đức của công ty Trần Việt, tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng; Dự án khu du lịch sinh thái bãi dừa giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng; Dự án khu du lịch sinh thái Thạch ky – Điếu Tẩu, tổng mức đầu tư 487 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các dự án đầu tư trong KKT Dung Quất gồm: Nhà máy sản xuất sợi và vải Mahang Dung Quất; Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 09; Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 10; Bến cảng tổng hợp - container Hoà Phát - Dung Quất; Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 11; Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 12.