Xòe Thái là loại hình sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của các cộng đồng người Thái ở khu vực miền núi Tây Bắc Việt Nam. 

Xòe (Múa) có từ bao giờ không ai nhớ nổi. Chỉ biết rằng, cho đến hôm nay, điệu xòe Thái không thể thiếu trong đời sống của người dân bản địa. Điệu xòe mang niềm vui, mang nụ cười và sự gắn kết cộng đồng.

Người Thái quan niệm rằng: "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù, đến tình yêu đôi lứa, tình yêu với mảnh đất nơi mình sinh ra. Những ngày quan trọng của người dân như hội mùa, ngày cưới hỏi, mời khách quý, năm mới hay Tết đến xuân sang, người dân tộc Thái lại dập dìu ca múa rộn ràng.

Trải qua nhiều năm tháng, điệu xòe Thái được hình thành nên từ múa tín ngưỡng trong nghi lễ, được cách điệu từ những động tác trong cuộc sống sinh hoạt, từ lao động, sản xuất… của đồng bào. Mỗi điệu múa thể hiện tinh thần và ý nghĩa riêng nhưng có chung niềm hân hoan, vui vẻ. Điệu xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội cũng như đời sống văn hóa, sinh hoạt văn nghệ của người dân. Trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc tộc người Thái.

Múa xòe Thái càng đông thì càng vui, có như vậy cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu.

Múa xòe Thái càng đông thì càng vui, có như vậy cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu.

Có 3 loại xòe là Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và Xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng, như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, và Xòe hoa. Các động tác múa uyển chuyển hòa với thanh âm của nhạc cụ dân tộc như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính. Điệu xòe vòng (xé voóng) - biểu hiện sự đoàn kết gắn bó cộng đồng khi các thành viên nắm tay nhau múa trên một vòng tròn quanh đống lửa ấm cúng.

6 điệu xòe cổ là khởi nguồn của nghệ thuật dân vũ đồng bào Thái là các điệu xòe:

Điệu xòe “Khắm khăn mơi lẩu”- nghĩa là “nâng khăn mời rượu”. Đây là điệu xòe đơn giản nhất, thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái.

Điệu xòe “Phá xí”, nghĩa là xòe bổ bốn, điệu múa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Dù có phải chia xa bốn phương trời cũng luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về cội nguồn.

Những người tham gia cùng nắm tay nhau, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia.

Những người tham gia cùng nắm tay nhau, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia.

Điệu xòe “Nhôm khăn”, hay còn gọi là điệu Tung khăn là điệu xòe vui nhộn nhất. Cùng với những chiếc khăn Piêu, các cô gái Thái đã thể hiện được niềm vui vô bờ bến mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui.

Điệu xòe “Đổn hôn” hay điệu xòe tiến lùi, lúc người này tiến người kia lùi, nhịp nhàng, uyển chuyển. Những động tác như muốn khẳng định, dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt.

Điệu xòe “Khắm khen”, nghĩa là nắm tay cùng xòe, có ý nghĩa là biểu hiện sự gắn kết cộng đồng. Có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa, gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.

Điệu “Ỏm lọm tốp mư”- là điệu xòe vòng tròn vỗ tay. Đây là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, biểu hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay nhau.

Mỗi động tác, dáng đi đứng, cách xếp đội hình đều là những cung bậc, sắc thái khác nhau mà điệu xòe mang lại. Từ 6 điệu xòe cổ ấy, đến nay đồng bào Thái ở Tây Bắc đã phát triển lên thành 36 điệu xòe ý nghĩa và đẹp mắt.

Múa xòe Thái càng đông thì càng vui, có như vậy cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả, không khí rộn ràng của múa xòe làm người ta quên đi những mệt nhọc thường ngày. Họ cùng nhau cười vui để bớt sầu lo, để cùng nhau hòa mình trong những điệu xòe hoa. Địa điểm tổ chức múa xòe có thể là ở sân nhà, trên sân khấu, dưới gốc cây hoặc trên sân bãi. Những người tham gia cùng nắm tay nhau, vai kề vai, người nọ bước theo chân người kia. Ít người thì một vòng nhỏ hẹp, nhiều người thì vòng lớn. Ai cũng có thể học được cách xòe ngay và hòa chung niềm vui.

Những ngày năm mới, đến với Tây Bắc Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hay Yên Bái, cùng ngụm rượu cần ngọt lịm, hãy hòa chung niềm vui với đất trời qua điệu xòe Thái vui tươi, giàu ý nghĩa.

Ngày 15/12/2021, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra ở Paris (Pháp), di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với sự kiện này, những ngày cuối năm 2021, văn hóa Việt một lần nữa tỏa sáng cùng văn hóa thế giới.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.