>> Thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô

Đấu giá biển số xe (“biển số đẹp”) không phải câu chuyện mới mà đã được Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên, do vướng mắc từ Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, nên các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình Xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 - Ảnh minh họa: BĐT

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình Xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 - Ảnh minh họa: BĐT

Không chỉ có vậy, ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng đã đặt vấn đề: biển xe số đẹp, các loại phần mềm có được coi là tài sản công hay không? Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là tài sản công, nếu biết khai thác quản lý tốt, đem đấu giá góp phần tăng thu ngân sách là tốt. Tuy nhiên, về mặt chi tiết thì như thế, nhưng để cụ thể hóa vào luật thì sẽ phải bàn tính thêm...

Cũng tại diễn đàn Quốc hội Khóa XIV, xoay quanh vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) từng phân tích, nếu triển khai đấu giá biển xe thì hằng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỷ đồng. Đấu giá biển số đẹp giúp tăng thu ngân sách cả nghìn tỷ đồng, nhưng thiết kế chính sách vừa qua chưa tốt.

Thực tế, Báo cáo của đoàn giám sát liên quan đến bất cập về kho biển số và cấp biển số phương tiện của Bộ Công an mới đây cũng cho thấy, vướng mắc nhất hiện nay đối với đấu giá biển số xe là pháp luật chưa quy định đồng bộ về quản lý, khai thác kho số.

Trong đó, Luật Giao thông đường bộ 2008 và văn bản hướng dẫn chỉ coi biển số xe là “tài liệu của cơ quan Nhà nước”, không phải tài sản. Còn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải” là một loại tài sản công.

>> Đấu giá biển số ô tô: Cần công khai, minh bạch

Theo chuyên gia, việc xây dựng thí điểm đấu giá biển số xe là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số đẹp - Ảnh minh họa: VOV

Theo chuyên gia, việc xây dựng thí điểm đấu giá biển số xe là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số đẹp - Ảnh minh họa: VOV

Đoàn giám sát cũng cho rằng, các quy định liên quan tại Bộ luật Dân sự, Luật Bán đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... chưa đồng bộ nên chưa có cơ sở pháp lý để đấu giá biển số xe.

Trong khi, nhu cầu đăng ký biển số ôtô, môtô có chuỗi ký tự đặc biệt như dãy số trùng nhau hoặc tăng dần... Để có được biển số đăng ký theo sở thích, họ cũng phải bỏ ra số tiền lớn để mua lại ôtô, môtô đã đăng ký hoặc “bằng các cách thức khác” để đăng ký được biển số đẹp.

“Điều này làm lãng phí rất lớn đến việc khai thác kho số phương tiện giao thông, không đáp ứng được yêu cầu của người dân, vừa dễ làm phát sinh tiêu cực và gây hồ nghi trong dư luận nhân dân”, Báo cáo nêu.

Trước thực trạng đã nêu, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình Xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Dự thảo Nghị quyết sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp.

Theo các chuyên gia, việc ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng “biển số đẹp” theo quan niệm của từng người sử dụng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong việc cấp và sử dụng biển số xe, đăng ký xe; ngăn ngừa hành vi trục lợi từ việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô; xác lập quyền sử dụng của biển số ô tô. Ngoài ra, việc đấu giá biển số xe nhằm tạo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong cấp và sử dụng biển số ô tô; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá biển số ô tô...

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này, nên cần phải có một hành lang pháp lý thống nhất,... chưa kể, việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của một số luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trước đó, theo tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất khi chuyển nhượng xe, người dân được quyền giữ lại biển số đã trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. Tuy nhiên, người sở hữu không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá; trong 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không sẽ bị thu hồi…

Thông tin với báo chí về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Tiến - Giảng viên Khoa luật dân sự Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng thí điểm đấu giá biển số xe là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn, sử dụng biển số đẹp.

Theo ông Tiến, quy định chỉ cho phép người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá (biển theo xe) là phù hợp với quy định tại khoản 22 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (nghiêm cấm việc mua bán biển số xe cơ giới). Đồng thời, quy định này cũng không trái với nguyên tắc của Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu đối với tài sản (chủ sở hữu tài sản có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản)…

“Quy định người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là phù hợp. Việc này giúp tránh tình trạng kinh doanh biển số thông qua đấu giá, ngăn chặn được việc cá nhân lợi dụng đấu giá để kinh doanh biển số đẹp”, ông Tiến bày tỏ.