Dĩ nhiên, những người thích thứ hạng cao vẫn có thể tự an ủi rằng: do WEF đã thay đổi toàn bộ phương pháp thực hiện việc xếp hạng năng lực cạnh tranh nên việc tụt 3 bậc là đương nhiên.

br class=

Ngày 16/10 WEF công bố Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) năm 2018, trong đó Việt Nam xếp thứ 77/140 nền kinh tế, giảm 3 bậc so với năm 2017.

Gian nan ASEAN 4

Tuy vậy, phương pháp của WEF, như đã thấy, lấy tăng trưởng tương lai dựa trên công nghệ làm nền tảng. Trong khi đó, từ cuối năm 2017, Việt Nam luôn nhắc tới cách mạng công nghiệp 4.0 và có vẻ đã triển khai nhiều giải pháp để “bước lên con tàu 4.0”. Như vậy, ít nhiều việc tụt 3 bậc cũng khiến những ai quan tâm tới tương lai một chút suy nghĩ và mủi lòng.

Cũng có thể, vì số lượng các quốc gia năm nay được xếp hạng đã tăng lên 140 so với 135 vào năm ngoái, nhưng cũng không vì thế mà Việt Nam có thể tự an ủi rằng: vì số lượng tăng lên nên tụt hạng là… bình thường. Bởi lẽ, việc tụt hạng cũng đồng nghĩa rằng: chúng ta đang “giậm chân tại chỗ” trong khi phát triển bền vững phải là xu thế.

Điểm số dù sao vẫn là một thước đo quan trọng. 58,1 điểm về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm nay so với 57,9 năm ngoái là một bước tiến, dù chưa dài. Nhưng cái cốt lõi cần phải quan tâm chính là: "năng lực sáng tạo" lại đạt điểm số khá thấp với 33 điểm. Điều ấy cho thấy, những phẩm chất như “thông minh, sáng tạo” cần phải xem lại một cách nghiêm túc, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh. Bởi một dân tộc thông minh, sáng tạo sẽ thúc đẩy các “trụ cột” khác trong bảng xếp hạng của WEF, từ thể chế đến công nghệ. Không thể có một thể chế tồi nếu phẩm chất chủ yếu là “thông minh, sáng tạo” là chủ đạo trong điều hành.

  Việc yếu tố “sáng tạo” chỉ đạt 33 điểm cho thấy, “sáng tạo” không thể chỉ là phương châm, là khẩu hiệu, mà phải là hành động được khuyến khích bằng thể chế. 

Nói cách khác, thứ hạng mà WEF xếp cho Việt Nam cũng cần đặt trong bối cảnh chung của khu vực. Nếu Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines… đều tăng bậc xếp hạng mà Việt Nam tụt hạng là điều đáng suy nghĩ. Vì chưa kể tới Singapore, quốc gia mà Việt Nam cần nhiều chục năm mới có thể theo kịp, thì với việc các nước xung quanh tăng bậc xếp hạng, thì các yếu tố hợp thành năng lực cạnh tranh của Việt Nam lại càng bền vững ở mức… trung bình. Điều này cho thấy mục tiêu của Việt Nam là vươn lên mức Asean4 về các lĩnh vực càng ngày càng gian nan.

Sáng tạo phải là hành động

Dĩ nhiên, thực tế là trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia không bao giờ dừng lại thì việc Việt Nam nỗ lực vươn lên trong các thang bảng xếp hạng quốc tế là rất khó khăn. Hơn 10 năm qua, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam, nói một cách công bằng, đã có những cải thiện, bước tiến dài.

Trong xu thế phát triển, tác động của những định hướng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho những “trụ cột” như thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục phổ thông được nâng cao. Và ngay cả những yếu tố thành phần như giáo dục đại học, thị trường hàng hóa, lao động, tài chính, công nghệ và quy mô thị trường cũng được mở rộng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng: tốc độ mở rộng các yếu tố thành phần nói trên lại phục thuộc chặt chẽ vào trụ cột “sáng tạo” và “tinh thông trong kinh doanh”. Hẳn nhiên, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu là một cuộc… cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam, rõ nhất là trong hai năm qua, phải cạnh tranh quyết liệt với các nền kinh tế có mức độ tương đồng về tốc độ phát triển và quy mô kinh tế ngay từ các nước trong khu vực chứ chưa nói tới trên bình diện toàn cầu.

Nếu “sáng tạo” đã trở thành một trong những phương châm của Chính phủ, thì rõ ràng việc yếu tố “sáng tạo” chỉ đạt 33 điểm còn quá nhiều dư địa để cải thiện và cải cách. Xét cho đến cùng, “sáng tạo” không thể chỉ là phương châm, là khẩu hiệu, mà phải là hành động được khuyến khích bằng thể chế.