Ông

Ông Nguyễn Hùng Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp "chần chừ" chuyển đổi số được ông Nguyễn Hùng Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển công nghệ FSI, chỉ ra khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, xin ông có thể chia sẻ cụ thể về những lợi ích của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp?

Nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0 người ta nhắc đến trí thông minh nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT), dữ liệu lớn (Big Data), chia sẻ dữ liệu (Blockchain),…các công nghệ này làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Trong đó, lợi ích trực tiếp của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất đó chính là việc nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất. Trước đây, các quy trình làm việc còn thủ công, hoặc ứng dụng máy móc sử dụng sức người nhiều, các sản phẩm làm ra bị giới hạn số lượng và chi phí rất cao, nhưng khi ứng dụng công nghệ tự động, chúng ta có thể làm ra nhiều sản phẩm hơn, độ đồng nhất cũng cao hơn trong khi sức người giảm xuống.

Bên cạnh đó, nhờ vào công nghệ, các hoạt động sản xuất trở nên linh hoạt, chuẩn xác và tiết kiệm hơn rất nhiều. Các sản phẩm làm ra được cải tiến liên tục, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của khách hàng tại mỗi chu kỳ kinh doanh, tránh tình trạng thừa thiếu sản phẩm do sản xuất dựa trên cảm tính.

Ngoài ra, cũng nhờ vào ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất có thể tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn trong khi đó lại tiết kiệm nhiều hơn ở chi phí, từ đó tăng sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp truyền thống, dễ dàng mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh không chỉ trong nước mà còn ở cả nước ngoài.

- Để ứng dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Công nghệ gồm 4 thành phần cơ bản: Công cụ, máy móc, thiết bị, vật liệu -gọi là phần cứng của công nghệ; Thông tin, phương pháp, quy trình bí quyết; Tổ chức điều hành, phối hợp, quản lý; và Con người.

Bất kỳ quá trình sản xuất nào đều phải đảm bảo 4 thành phần trên. Mỗi thành phần đảm nhiệm những chức năng nhất định. Các doanh nghiệp muốn ứng dụng được khoa học công nghệ hiệu quả, cần có sự chuẩn bị đầy đủ cho cả 4 thành phần trên. Căn cứ trên nội lực doanh nghiệp và mục đích phát triển để có ưu tiên đầu tư đúng đắn.

- Mặc dù có nhiều lợi ích khi ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, song trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp “chần chừ” cho hoạt động ứng dụng công nghệ số. Vậy theo ông đâu là những nguyên nhân chính?

Nguyên nhân đầu tiên mà các doanh nghiệp gặp phải chính là sự e dè, ngại thay đổi. Do các chủ doanh nghiệp điều hành công ty theo phương thức truyền thống quen thuộc nên còn khá bỡ ngỡ với các công nghệ và quy trình số.

Nguyên nhân thứ hai đặt ra chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có đủ khả năng và tri thức cần thiết để thực thi và vận hành mô hình chuyển đổi số. Do chuyển đổi số là một quá trình tương đối phức tạp nên đội ngũ nhân viên công ty cần phải được trang bị những kiến thức cần thiết về công nghệ và triển khai.

Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp đánh giá đầu tư cho công nghệ là khoản chi phí, do đó, doanh nghiệp sợ bỏ chi phí mà không thu lại kết quả như kỳ vọng.

- Tại Việt Nam, 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa và còn gặp nhiều khó khăn về vốn, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực... Vậy theo ông đâu là những giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đầu tư, ứng dụng chuyển đổi số?

Để doanh nghiệp có quyết định ứng dụng công nghệ hay không thì doanh nghiệp cần hiểu đúng về lợi ích của công nghệ đối hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và tiếp đó là tìm được các giải pháp công nghệ phù hợp với nguồn lực của công ty.

Để khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, Nhà nước và các đơn vị làm về tư vấn công nghệ, chuyển đổi số như FSI, cần phổ biến rộng rãi kiến thức công nghệ đến tất các các doanh nghiệp, cung cấp các thông tin tư vấn, định hướng chính xác, đầy đủ và kịp thời.

Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo ra nhiều giải pháp phù hợp với nhu cầu các doanh nghiệp Việt trong thời đại mới và đồng thời tiết kiệm được chí phí khi triển khai.

- Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ dẫn tới việc cắt giảm lao động, xin ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp mà vẫn làm hài hoà mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động?

Để đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động trước hết các doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp. Trong lộ trình đó, cần có truyền thông, hướng dẫn và đào tạo người lao động hiểu, thích nghi và ủng hộ với sự chuyển đổi này. Đồng thời, nghiên cứu các phương án mở rộng danh mục kinh doanh hoặc các hoạt động mới nhằm tăng cơ hội việc làm cho các nhân sự đã gắn bó với công ty.

Ngoải ra, xét trên xu thế tất yếu của thời đại, cách mạng công nghệ  4.0 cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cao cấp như: nghiên cứu triển khai các ứng dụng AI, robotic, machine learning,… và đồng thời tạo ra nhiều việc làm phổ thông mới như: nghề nhập liệu, nghề làm dữ liệu, thu thập và xử lý dữ liệu...nên các doanh nghiệp có thể định hướng, hỗ trợ người lao động tiếp cận thêm các công việc mới để đảm bảo thu nhập.

Đồng thời xét ở góc độ vĩ mô, Nhà nước cùng các Trường cần mở thêm các ngành đào tạo mới đáp ứng được yêu cầu mới của thị trường.

- Xin cám ơn ông!