Ngành thép liệu có hưởng lời từ giải ngân vốn đầu tư công?

Ngành thép liệu có hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư công?

Thống kê sau 8 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 187.285 tỷ đồng, tương ứng đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2020 là 46,41% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Sau 7 tháng đầu năm ghi nhận khởi sắc từ giải ngân đầu tư công, đã có tín hiệu chững lại trong tháng 8, chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV), có thể thấy trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế thì đầu tư công là một trong những mũi nhọn được Chính phủ sử dụng để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. "Mặc dù mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% như Nghị quyết 01 mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra hồi đầu năm thì hiện tại là bất khả thi, nhưng với mũi nhọn từ đầu tư công thì Chính phủ có thể đạt con số đâu đó khoảng 5-5,5% - là kịch bản hoàn toàn có thể đạt được nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện trong quý 4”, ông Trần Đức Anh cho biết.

“Với việc Chính phủ có tăng cường thúc đẩy đầu tư công thì một số nhóm ngành có thể kỳ vọng sẽ có dư địa để tăng trưởng tương đối tốt; trong đó ngành dẫn dắt đầu tiên chúng ta có thể nhìn thấy là nguyên vật liệu xây dựng như ngành thép”, vị chuyên gia nói thêm.

Nhìn về diễn biến giá cổ phiếu ngành thép, có thể thấy trong quý 1 và 2, giai đoạn thị trường có tăng trưởng tích cực và trong xã hội cũng như chưa xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp ngành thép đã có kết quả kinh doanh khởi sắc. Tuy nhiên, bất chấp triển vọng lợi nhuận kỷ lục trong quý 2, sang đầu quý 3 thì nhóm cổ phiếu này đã đi cùng xu hướng chung của thị trường sụt giảm mạnh.

Biến động cổ phiếu HSG 3 tháng qua.

Biến động cổ phiếu HSG trong 3 tháng qua.

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen sau khi tăng liên tiếp đạt đỉnh vào ngày 1/7 ở mức giá 42.600 đồng đã quay đầu giảm liên tục, có những lúc đo sàn ở mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu, giảm 22,5% trong vòng một tuần, về bằng với mức giá giao dịch giữa tháng 5.

Biến động cổ phiếu HPG 3 tháng qua.

Biến động cổ phiếu HPG trong 3 tháng qua.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát trong giai đoạn đầu tháng 7 cũng giảm mạnh xuống 44.000 đồng/cổ phiếu (12/7). HPG là mã bị khối ngoại bán mạnh nhất trong tháng 6 vừa qua với giá trị bán gần 5.000 tỷ đồng, là nhân tố chính tác động đến xu hướng bán ròng của khối ngoại trên thị trường. 

Trong khi đó, cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim cũng ghi mốc giảm mạnh xuống 25.500 đồng/cổ phiếu vào  phiên giao dịch 12/7.

Biến động cổ phiếu NKG trong 3 tháng qua.

Biến động cổ phiếu NKG trong 3 tháng qua.

Ngành thép là ngành xuyên suốt từ đầu năm nay có mức tăng mạnh nhất so với thị trường. Dĩ nhiên, khi nhóm này tăng mạnh trong 2 quý đầu năm sẽ có áp lực bán gia tăng vào thời điểm quý 3 khi mà tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, cả thị trường có diễn biến tương đối tiêu cực thì nhóm ngành thép cũng chịu áp lực bán rất mạnh và việc giảm sâu là điều hoàn toàn dễ hiểu”, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của KBSV nhận định.

Tuy nhiên, khi thị trường cho thấy dấu hiệu hồi phục cũng như việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, đã giúp các cổ phiếu thép quay đầu tăng trở lại. Trong phiên giao dịch ngày 16/9, cổ phiếu HSG đã tăng lên 47.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hay HPG cũng đã hồi phục lên 51.300 đồng/cổ phiếu nếu so với mức giảm của tháng 7; và cổ phiếu NKG cũng quay lại đà tăng khi kết thúc phiên giao dịch ở mức 43.650 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 18.000 đồng/cổ phiếu cũng so với mốc giảm tháng 9. 

Với cơ sở bối cảnh vĩ mô thuận lợi, các yếu tố cơ bản được cải thiện, thậm chí kết quả kinh doanh theo tháng của một vài doanh nghiệp đầu ngành thép cũng không hoàn toàn tiêu cực như kỳ vọng của thị trường. Do vậy, tôi cho rằng ngành thép vẫn là ngành dẫn dắt thị trường trong thời điểm từ nay đến cuối năm”, ông Trần Đức Anh đánh giá về triển vọng ngành thép trong giai đoạn tới.

CTCK Mirae Asset cho rằng lợi nhuận ròng của toàn bộ ngành thép trong năm 2021 sẽ khả quan. Do vậy báo cáo của CTCK này tiếp tục duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng các cổ phiếu trong ngành. Hiện tại, định giá của các cổ phiếu ngành thép của Việt Nam đang giao dịch ở mức P/E 10.8x và EV/EBITDA 6.5x. Với tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 18% trong năm 2021, báo cáo dự phóng PE và EV/EBITDA kỳ vọng năm 2021 đạt 8.9x và 5.3x. Theo đó, Mirae Asset định giá ngành thép Việt Nam trong nửa sau năm 2021 vẫn đang rất hấp dẫn, với mức định giá thấp hơn 20% so với khu vực.

Còn theo CTCK VNDirect, sản lượng tiêu thụ và sản xuất ống thép xây dựng giảm so với những tháng trước do ảnh hưởng của COVID-19 và tháng mùa mưa, trong thời gian tới hy vọng sản lượng sẽ phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát và vào tháng cao điểm của xây dựng.

Ngoài ra nhu cầu xuất khẩu cũng rất lớn và nhu cầu này đã đóng góp nhiều cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong nửa đầu năm, nhu cầu nhập thép lớn từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đã khiến Bộ Tài chính đã từng có đề xuất tăng thuế xuất khẩu và giảm thuế nhâp khẩu, nhưng điều này đã không xảy ra.

Giá nguyên vật liệu, giá thép đầu ra được VNDirect dự báo sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp thép trong thời gian tới. Và triển vọng kinh doanh trong năm 2021 được đánh giá các doanh nghiệp sẽ giữ được phong độ của mình tuy nhiên, sang năm 2022, sẽ có sự sụt giảm.