ĐBQH Đỗ Thị Lan cho rằng, chỉ có thể chế hợp lý thì mới thu hút được nhà đầu tư tư nhân và xây dựng cảng hàng không. Ảnh: Nguyễn Việt

ĐBQH Đỗ Thị Lan cho rằng, chỉ có thể chế hợp lý thì mới thu hút được nhà đầu tư tư nhân và xây dựng cảng hàng không. Ảnh: Nguyễn Việt

Đây là chia sẻ của ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) với DĐDN bên hành lang Quốc hội xung quanh vấn đề quá tải cảng hàng không, sáng 6/6. Theo bà Lan, chỉ có cải cách thể chế, tạo ra những cơ chế thuận lợi để huy động nguồn lực và khuyến khích tư nhân xây dựng cảng hàng không. Khi đó mới tháo gỡ hết những vướng mắc, bất cập trong hoạt động của cảng hàng không.

  - Bà có nói đến cơ chế chính sách cho tư nhân tham gia xây dựng cảng hàng không, bà có thể chia sẻ về vấn đề này?  

Thứ nhất, hiện nay cảng hàng không tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đơn cử, Quảng Ninh đã có cảng hàng không quốc tế tư nhân, nhưng để đi vào hoạt động được thì cái gì phát sinh ngoài quy định hiện hành về phát triển cảng hàng không, giải quyết các thủ tục hành chính về cảng hàng không lại không có cơ sở để giải quyết, thậm chí rất chậm. Ở đây đang bị vướng về thể chế, cơ chế chính sách pháp luật.

Thứ hai, việc thu hút nguồn lực để xã hội hóa, kể cả BOT cảng hàng không hiện nay vẫn chưa có luật hợp tác công – tư, dẫn đến trong quá trình thực hiện bị vướng rất nhiều. Từ bị vướng cơ chế sẽ làm thời gian giải quyết thủ tục hành chính bị chậm lại. Điều này làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

Vậy theo bà vai trò của Bộ GTVT cũng như các bộ, ngành khác như thế nào trong vấn đề này?

Theo tôi, Bộ GTVT cần kiểm tra cụ thể để thấy rõ những vướng mắc cụ thể. Tuy nhiên, khi nói về thể chế thì không chỉ một mình Bộ GTVT giải quyết được hết, bộ này cần phối hợp với các bộ, ngành khác để có báo cáo lên Chính phủ nắm bắt được những vướng mắc, bất cập hiện nay về các lĩnh vực liên quan đến dự án về giao thông.

Ví dụ, vướng mắc về nguồn vốn, huy động vốn không chỉ có Bộ GTVT, mà cần có sự phối hơp từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và  Đầu tư…Đồng thời cũng cần có sự tham gia từ các cơ quan dân cử của Quốc hội tiến hành khảo sát. Thực tế, có những vấn đề liên quan đến thể chế lớn như sửa đổi luật, xây dựng luật mới thì phải là Quốc hội, đặc biệt chính phủ cần chủ động nắm bắt những bất cập do các bộ đề xuất, cũng như các cơ quan của Quốc hội chỉ ra. Việc này cần có kế hoạch và thời gian, vì có những vấn đề đã được đặt ra, chỉ rõ nhưng đến khâu thực hiện thường bị “trôi dạt” từ năm này qua năm khác. Trong khi, yêu cầu đầu tư, nguồn lực lại không thể chờ đợi được sự chậm trễ, điều này làm ảnh hưởng lớn đến thực hiện các mục tiêu về kinh tế như đột phá, chiến lược phát triển kinh tế trong các lĩnh vực.

Với những bất cập này, bà có đề xuất hay kiến nghị gì để tháo gỡ vướng mắc này?

Trước tiên chúng ta cần có sự dự báo chính xác, muốn dự báo quá tải đang ở mức độ nào,  thì phải có các cuộc khảo sát, kiểm tra từ các cơ quan chức năng, sau đó Chính phủ có kế hoạch cụ thể, giải pháp đồng bộ từ nguồn lực, kế hoạch, cơ chế chính sách để báo cáo trung ương, hay đề nghị với Quốc hội đưa vào trong các chương trình làm việc. Có vấn đề khiến tôi thấy lo ngại, khi trách nhiệm giải quyết các thủ tục hành chính bị “vướng” tại cấp nào thì ngay lập tức tạm thời bị “treo”. Việc dừng lại này sẽ không bao giờ tháo gỡ được hết những khó khăn cũng như khuyến khích các nhà đầu tư, do đó cần phải có trách nhiệm cao từ các bộ ngành và cơ quan quản lý nhà nước. Thiếu thể chế thì phải xây dựng thể chế hoặc có giải pháp khác để sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Để không vi phạm thì phải có thể chế, cơ chế một cách đầy đủ, không thể để vấn đề này như câu chuyện “con gà quả trứng”, ai đi đầu đổi mới thì rất dễ bị vi phạm kỷ luật. Như vậy sẽ không ai dám tiên phong đột phá.

Xin cảm ơn bà!