>>  Du lịch miền Tây xứ Nghệ “ngủ đông” đến bao giờ?

Đồng bằng sông Cửu Long đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo hàng đầu cả nước.

Đồng bằng sông Cửu Long đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo hàng đầu cả nước. Ảnh:HNM

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, hiện là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản lớn nhất cả nước. Hiện, các tỉnh miền Tây sản xuất 24 triệu tấn mỗi năm, chiếm hơn 50% sản lượng cả nước và 90% sản lượng gạo xuất khẩu.

Thực tế, trồng lúa tại miền Tây có nhiều lợi thế từ điều kiện tự nhiên, hệ thống thuỷ lợi, nông dân canh tác giỏi, dịch vụ chế biến lúa gạo tốt hơn các ngành hàng chủ lực khác, cơ giới hoá khá hoàn chỉnh... Hiện, một nông dân có thể quản lý hàng chục ha lúa, thuê mướn lao động rất ít.

Đây chính là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đi lên chủ yếu bằng nông nghiệp, góp phần quan trọng vào diện mạo tươi đẹp của cả nước nói chung.  Tuy nhiên, đời sống của gần 20 triệu dân nơi đây vẫn được đánh giá là khó giàu lên từ đất từ cây lúa chủ đạo này. 

Theo dữ liệu gần nhất của Ngân hàng Thế giới, giá trị gia tăng trung bình của một nông dân miền Tây mỗi năm là 2.917 USD. Con số này thấp hơn Thái Lan (3.217 USD), Indonesia (3.601 USD) chưa nói đến Trung Quốc (5.609 USD) hay Hàn Quốc (20.572 USD).

Mới đây, tại Hội thảo phát triển Đồng bằng sông Cửu Long giải pháp từ cây lúa, tổ chức tại Đồng Tháp, TS Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long phát biểu: “Trong hai thập niên tới, chưa có cây trồng nào thay thế được lúa ở các tỉnh miền Tây, song nông dân khó giàu từ giống chủ đạo này”.

Tương tự, GS Võ Tòng Xuân cũng từng nói rằng: “Sau 32 năm xuất khẩu, gạo Việt Nam nằm trong top 3 thế giới. Nông dân mang rạng rỡ về cho đất nước song “túi tiền của họ còn xẹp”. Người trồng lúa chi rất nhiều tiền cho phân bón hoá học trong khi việc này lại gây ra nhiều sâu bệnh khiến chi phí sản xuất tăng. Điều cần làm bây giờ phải hạ giá thành sản xuất góp phần tăng thu nhập nông dân”.

Những người nông dân gặt lúa ở cánh đồng ở Gò Công

Những người nông dân gặt lúa ở cánh đồng ở Gò Công. Ảnh: kienthuckhoahoc

>> Lão nông miền Tây thu lãi tiền tỉ nhờ nuôi cá chình

>> Trung tâm nông sản Miền Tây: Cấp thiết nhưng cần có “nhạc trưởng” chỉ huy

>> Liên kết vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long: Hạ tầng mềm cho miền Tây

Trong Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 nêu ra “ba vòng xoáy đi xuống” của vùng đất giàu tiềm năng, nhiều thách thức này là: vòng xoáy ngân sách, vòng xoáy lao động và vòng xoáy cấu trúc kinh tế vùng.

Thứ nhất, vòng xoáy ngân sách: Chính là thiếu đầu tư tương xứng của Nhà nước thời gian dài cho các khâu then chốt trong phát triển vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, logistics. 

Thứ hai, vòng xoáy lao động: Đây là tình trạng thiếu việc làm tại chỗ, người trẻ tuổi bị "đẩy" ra khỏi vùng, lên TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, dẫn đến sự suy giảm trầm trọng số lượng lẫn chất lượng lao động. Kết quả Tổng điều tra dân số, nhà ở năm 2019 chỉ ra, trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người Đồng bằng sông Cửu Long xuất cư.

Thứ ba, vòng xoáy cơ cấu kinh tế vùng: Vấn đề này được cho là sự “thiên lệch” trong việc thực thi “sứ mệnh an ninh lương thực”. Cả ba vòng xoáy này đều liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực.

Điều đó đã và đang khiến cho Đồng bằng sông Cửu Long từ một vùng đất giàu tiềm năng phát triển, bỗng trở nên ì ạch, không thể bứt tốc. Dù Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế nằm kế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển, song không được hưởng lợi để phát triển.

Do vậy, để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù cần sớm thực thi nhằm thu hút đầu tư vào 3 sản phẩm mũi nhọn của vùng là lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, khai thông các kênh tín dụng (vốn ngân sách, ODA, FDI, vốn doanh nghiệp tham gia và vốn tín dụng ngân hàng) và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển các sản phẩm mũi nhọn này.

Dù biết, thời gian qua đã nhiều chủ trương, chính sách, quyết sách liên quan đến Đồng bằng sông Cửu Long gần đây của Chính phủ đã góp phần tháo gỡ không ít khó khăn, mang theo mệnh lệnh của sự phát triển.

Dẫu vậy, cuộc chiến chống lại nghèo khó ở vựa lúa gạo, thủy sản và vươn lên thoát khỏi vùng trũng về chất lượng nhân lực rất cần được tăng tốc với cách làm hiệu quả hơn, thiết thực hơn, căn cơ hơn. Và nó liên quan chặt chẽ với cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Trong đó, “liên kết vùng” không chỉ là cách làm, yêu cầu đặt ra mà còn là mệnh lệnh của phát triển vùng trong thời kỳ mới.

Đồng thời, để miền Tây thoát nghèo thật sự, mỗi người dân phải thực sự ý thức được cái nghèo và thất học để phấn đấu vươn lên.