Sáng 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đại biểu

Đại biểu đề nghị đánh giá tiêu chí đầy đủ từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xác định đối tượng thụ hưởng khoa học và hợp lý hơn với đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong đó, nội dung đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 50 tỉ đồng và lao động không quá 100 người được đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất với chủ trương này, nhưng cho rằng tiêu chí doanh thu dưới 50 tỉ đồng và sử dụng lao động dưới 100 người là "cào bằng chung, cá mè một lứa", do đó đề nghị đánh giá đầy đủ từng ngành hàng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xác định đối tượng thụ hưởng khoa học và hợp lý hơn. Đồng tình, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng tiêu chí như vậy không phù với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vốn được quy định là doanh thu khoảng 100 tỉ đồng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) thì băn khoăn số giảm của ngân sách 15.000-22.000 tỉ đồng từ việc giảm thuế, không phải là lớn, đặc biệt khi so sánh với tiền khấu hao vô hình của các dự án thua lỗ."Chúng ta có thể giảm cho doanh nghiệp tới 30.000 tỉ đồng mà vẫn không bị thiệt", Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói. Bởi, so với gói 62.000 tỉ đồng là giải quyết đời sống, an sinh, số tiền hỗ trợ doanh nghiệp là tái tạo sản xuất, tạo ra doanh thu, không nên quá khắt khe. 

Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới; dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Vì vậy, để các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020, cần thiết phải có giải pháp kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Theo dự thảo Nghị quyết, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Nếu đề xuất này được áp dụng sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 22.440 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí việc giảm số thuế phải nộp (30%) và áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu (dưới 50 tỷ đồng), kết hợp với tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng này.

Theo Uỷ ban Tài Chính - Ngân sách, đây là các đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh; khả năng tiếp cận vốn, trình độ quản lý và áp dụng công nghệ còn hạn chế trong khi nhóm đối tượng này chiếm đa số trong tổng số các đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc quy định giảm 30% cho các đối tượng này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng cường nguồn lực để phát triển. Đồng thời, việc hạn chế đối tượng theo doanh thu và người lao động như dự thảo Nghị quyết cũng không gây áp lực quá lớn lên thu ngân sách nhà nước trong năm 2020.

Trước đó, thảo luận tại tổ về nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.