ds

Hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô gặp khó khăn khi dịch bệnh bùng phát.

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, ở một số địa phương hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô phải dừng hoạt động. Khi dịch bệnh tạm lắng, nhu cầu đi lại của người dân cũng rất thấp nên các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải xe khách Quảng Ninh cho biết, hơn 50 đầu phương tiện của Công ty đang nằm phủ bụi. “Dịch vụ vận tải phụ thuộc vào khách hàng, hiện nay các tổ chức và người dân đều đang hạn chế đi lại. Sau khi hết dịch việc giao thương trở lại bình thường, hy vọng mọi thứ sẽ tốt lên, từ đó chúng tôi sẽ tổ chức các phương tiện phục vụ người dân và hoạt động du lịch trở lại” - ông Huyền nói.

Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên cũng rơi vào tình cảnh tương tự, từ đầu năm đến nay, gần 300 xe của công ty hầu như không có hợp đồng vận tải, kèm theo đó là rất nhiều khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến các doanh nghiệp vận tải thiệt hại nặng nề, lượng khách sụt giảm khiến doanh thu giảm khoảng 60%. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid - 19, lượng khách vận chuyển toàn ngành giao thông vận tải giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, hàng không bị ảnh hưởng nhiều nhất trong 5 ngành vận tải, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không năm 2020 đạt 66 triệu khách và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2019.

Năm 2021 dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi vốn tích lũy của các doanh nghiệp đều đã mang ra để duy trì hoạt động trong suốt một năm qua.

Một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì Covid-19. Đây là lúc họ cần sự “tiếp sức” của Nhà nước hơn lúc nào hết. Vì thế, cần có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp vận tải có được bước đệm để tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cơ quan này đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục giảm 70% phí đường bộ đến hết năm thay vì đến 30/6; giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách.

sdg

Một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp vận tải lo lắng nhất hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hai năm liên tiếp điêu đứng vì Covid-19.

Với lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.

Lĩnh vực vận tải hàng hải, Bộ GTVT kiến nghị bổ sung đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 là các thuyền viên làm việc trên tàu biển, người làm việc trực tiếp với tàu biển. Hỗ trợ thủ tục nhập cảnh cho sĩ quan, thuyền viên VN làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến quốc tế quá thời hạn hợp đồng lao động được hồi hương; xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt ở nước ngoài vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay cứu trợ...

Với đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời gian thực hiện niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm. Bổ sung Nghị định số 32/2017 về tín dụng đầu tư nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt thuộc danh mục được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ sớm phê duyệt các đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để làm cơ sở cho doanh nghiệp này triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.