Theo đề xuất, đây là gói tín dụng tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, chế xuất.

rên địa bàn cả nướcp/121 dự án, quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ

Trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 121 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, gói tín dụng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm yếu thế là người thu nhập thấp, công nhân; vừa giúp kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp khó khăn, chuỗi cung ứng sản xuất, lao động bị đứt gãy trong Covid-19 là các địa phương chưa quan tâm đến đầu tư nhà lưu trú cho công nhân, dẫn đến khó đảm bảo thực hiện "3 tại chỗ".

Để tránh những rủi ro trong tương lai, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng hoàn hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy nhà ở tại các khu công nghiệp.

Với nhà ở cho công nhân, trong dài hạn, Bộ Xây dựng đề xuất giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp khác phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động thực hiện.

Trong ngắn hạn đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nghiêp cứu dành một phần quỹ đất dịch vụ trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú công nhân.

Rà soát đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và giao doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư hoặc phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để triển khai thực hiện.

Phần lớn công nhân lao động đang phải sống trong những căn nhà trọ ẩm thấp, chật chội

Phần lớn công nhân lao động đang phải sống trong những căn nhà trọ ẩm thấp, chật chội

Về nguồn vốn, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Đồng thời, xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội cho Ngân hàng chính sách xã hội cũng như các tổ chức ngân hàng được chỉ định để cho vay phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025, trong đó sớm bố trí nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà công nhân) theo Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

Căn cứ Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2021 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN, KCX vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một chuyên gia cho rằng đề xuất trên rất kịp thời. Tuy nhiên gói hỗ trợ cần đến đúng người, đúng đối tượng, phải minh bạch, công khai bằng cách: Thứ nhất, trưng bày bản vẽ, thiết kế, vị trí, chủ trương thực hiện dự án cho công nhân, các đối tượng cần mua đăng kí. Thứ hai, phối hợp với Bộ Lao động Thương binh - Xã hội để đối chiếu danh sách những người lao động, công nhân khó khăn, đối tượng cần nhà thực sự.

Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ thí điểm cơ chế đặc thù cho Tổng Liên đoàn được trực tiếp giao đất và làm chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân thuê tại các khu đất dịch vụ trong quy hoạch KCN hoặc quỹ đất khác do UBND tỉnh giới thiệu.

Trước mắt cho phép được đầu tư thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương có lượng công nhân đông như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội.

Trong việc thu hút đầu tư vào xây dựng nhà ở công nhân, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc đưa ra những ưu đãi cho doanh nghiệp cần phải là những ưu đãi cần thiết và có chế tài bắt buộc để các doanh nghiệp có động lực, có hứng thú. Đồng thời, cần công khai, minh bạch và thực hiện số hóa về thông tin các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, về đối tượng được hưởng và quy trình thủ tục. 

"Không để tình trạng như hiện nay, cách làm chưa quyết liệt, thông tin vừa thiếu và mập mờ thì khó có thể "cởi nút thắt" phát triển nhà ở công nhân" - ông Đính nhấn mạnh.