Theo Tổng giám đốc ACV Lê Mạnh Hùng, Tập đoàn Đông Dương đề xuất thiết lập ga trung chuyển tại dự án Khu trung tâm thương mại và bãi đậu xe đã được UBND TP HCM cấp chứng nhận đầu tư. Dự án này nằm tiếp giáp ngay mặt tiền đường Cách mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Du thuộc phường Bến Thành, cách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 8 km.

Giảm thời gian và chi phí

Vị trí dự án được UBND TP HCM phê duyệt quy hoạch tổng thể, kết nối trực tiếp với nhà ga số 02 thuộc tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2 Thủ Thiêm - Bến Thành - Tham Lương. Tuyến Metro 02 này cũng sẽ kết nối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành để đến CHKQT Long Thành.Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi lớn cho hành khách đi/đến TP HCM thông qua CHKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành. Theo ông Hùng, các công ty dịch vụ mặt đất chuyên nghiệp đang hoạt động tại Tân Sơn Nhất sẽ cung cấp các dịch vụ khai thác phục vụ hành khách cho trung tâm nói trên. Hành khách sẽ không cần phải có mặt tại sân bay trước 3 tiếng để xếp hàng làm thủ tục hàng không mà có thể làm vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

  Nếu Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa 49% cổ phần tại các hãng hàng không Việt Nam, thì chắc chắn đây sẽ là một “lực hút” hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Bởi dự kiến, tổng thời gian làm thủ tục hành khách theo quy trình phục vụ tại ga trung chuyển tới sân bay Tân Sơn Nhất tối đa là 100 phút. Lực lượng an ninh hàng không của ACV sẽ là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ kiểm soát an ninh hàng không tại đây. Nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ của ga này sẽ do chủ đầu tư đàm phán với các hãng hàng không và tổ chức/cá nhân cung cấp, sử dụng dịch vụ mà không ảnh hưởng đến các khoản phí dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, phí phục vụ hành khách và các khoản giá, phí khác.

Chọn mặt gửi vàng?

Có thể hình dung đề xuất lập ga hàng không trung chuyển trong nội đô TP HCM của ACV dựa trên đề xuất của Tập đoàn Đông Dương. Câu hỏi đặt ra: Đây là lĩnh vực đặc thù, vậy năng lực tài chính, điều kiện đáp ứng các quy định pháp lý trong lĩnh vực hàng không dân dụng như thế nào? ACV có tổ chức đấu thầu rộng rãi hay chỉ định thầu đối với dự án này (nếu được Bộ GTVT chấp thuận)?

Trên thực tế, ga hàng không trung chuyển không phải là một mô hình mới hay sáng kiến của Tập đoàn Đông Dương. Nó đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như: Tokyo, Osaka (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Makkasan (Thái Lan), Vienna (Áo), Đài Loan, Hong Kong… Ưu điểm mô hình nhà ga hành khách trung chuyển là hành khách được làm thủ tục tại trung tâm thành phố, qua đó góp phần giảm tải cho nhà ga cảng hàng không; Giảm được lượng phương tiện cá nhân ra vào cảng hàng không. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là có nguy cơ hành khách đã làm thủ tục hàng không đến muộn, không kịp giờ khởi hành của chuyến bay, gây khó khăn cho việc xử lý của đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không. Đó còn chưa nói đến việc tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh khi vận chuyển hành lý trên xe buýt đến cảng hàng không.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể với mô hình này. Do đó, nếu được thiết lập, doanh nghiệp phải trình Cục Hàng không Việt Nam thẩm định cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không theo quy định.

Tình trạng quá tải tại CHKQT Tân Sơn Nhất đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp. Bởi vậy, dù mới chỉ là đề xuất nhưng ACV cần có phương án rõ ràng trong việc lựa chọn nhà đầu tư, để đảm bảo tính khả thi và có thể triển khai nhanh nhất chứ không thể phó thác cho Tập đoàn Đông Dương.