Trước tình trạng giá thép tăng "phi mã", trong một buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu 7 giải pháp để ngành thép phát triển trong tương lai.

rước khi đề xuất lập Quỹ Bình ổn, cơ quan hay cá nhân đề xuất cũng cần nghiên cứu xem có trái với luật hiện hành, có trái với Luật Ngân sách.

 Doanh nghiệp cho rằng đề xuất lập Quỹ Bình ổn giá thép là không khả thi.

Đáng chú ý Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn vướng mắc, các doanh nghiệp ngành thép kịp thời có kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành khẳng định, đề xuất của Bộ trưởng Công Thương đang trái với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường và là bước đi lùi trong tư duy quản lý.

Trước năm 2012, thép là mặt hàng thuộc danh mục Bình ổn giá theo Luật giá nhưng từ khi Luật Giá 2012 được ban hành, một loạt mặt hàng như xi măng, sắt, thép... đã được đưa ra khỏi danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.

Đại diện một doanh nghiệp thép khẳng định đề xuất này của Bộ Công Thương là không khả thi. Vấn đề nguồn hình thành quỹ lấy từ đâu. Các doanh nghiệp có mức giá riêng, lấy giá nào để tham chiếu. “Phải nói thẳng là phi thị trường”, đại diện doanh nghiệp nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, thị trường thép đã hoạt động cạnh tranh từ nhiều năm nay thì hiện không có lý do gì mà can thiệp vào thị trường cũng như giá thị trường thông qua những công cụ của nhà nước, kể cả Quỹ bình ổn.

Giá thép phi mã khiến hàng loạt nhà thầu và doanh nghiệp như

Giá thép tăng phi mã khiến hàng loạt nhà thầu và doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa".

Ngoài ra, biến động giá thép do nhiều nguyên nhân, cả trong và ngoài nước. Trong đó, có vấn đề về phôi thép, nhu cầu và đột biến về chi phí vận tải. Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép.

"Tóm lại, đề xuất lập Quỹ bình ổn là vi phạm các nguyên tắc của kinh tế thị trường và không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép lần này", chuyên gia Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Thậm chí, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả còn cho rằng, theo quy định hiện hành, ngay cả những mặt hàng đang thuộc diện bình ổn giá cũng không được phép lập quỹ, trừ mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng và liên quan đến an ninh quốc gia. Như mặt hàng sữa, đâu có ai đề xuất lập Quỹ Bình ổn.

Theo ông Long, hiện với ngành thép, việc cạnh tranh đã đầy đủ và không có đơn vị nào chiếm thế độc quyền. Giờ lập Quỹ Bình ổn giá sẽ vi phạm các cam kết quốc tế chưa kể trái Luật Ngân sách và thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường.

TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế độc lập cho biết, không nên lập quỹ bình ổn giá cho thép, với mặt hàng thép nên để cho thị trường dao động theo quy luật cung cầu.

"Cứ hễ mặt hàng nào tăng giá, leo thang lại đề xuất thành lập quỹ bình ổn thì "không ổn" chút nào. Chỉ những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như xăng dầu thì mới nên có quỹ bình ổn. Còn thép liên quan đến vật liệu xây dựng, không thuộc đại đa số người dân cần sử dụng. Tôi không đồng tình lập Quỹ này", ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Theo ông Hiếu, nếu xây dựng quỹ bình ổn giá thép và dùng quỹ đó để điều chỉnh giá thì đi ngược lại quy luật kinh tế thị trường. Bởi, kinh tế thị trường là nền kinh tế điều tiết theo quy luật cung cầu.

Việc giá thép tăng cao có thể ảnh hưởng nhất định đến công trình xây dựng, trong đó có những công trình xây dựng cho nhà ở xã hội. Trường hợp ảnh hưởng đến việc xây dựng công trình nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp thì lúc đó Chính phủ cần hỗ trợ bằng ngân sách của Chính phủ. Còn quỹ bình ổn điều chỉnh giá thép thì không cần thiết và không nên.