Vietcombank đang đứng trước cuộc khủng hoảng vì sao kê.

Vietcombank đang đứng trước cuộc "khủng hoảng" vì nghệ sĩ sao kê tài khoản?

Vì đâu nên nỗi?

Một ngày sau khi MC Trấn Thành đăng đàn Facebook cá nhân đăng hơn 100 tờ sao kê về số tiền đi làm từ thiện trong số 1.000 trang sao kê, mạng xã hội đã nổi sóng với hàng loạt tranh cãi, nghi ngờ về giá trị và mức độ tin tưởng của những tờ sao kê.

Và trong cơn bão tranh luận đúng – sai thì mũi rìu dư luận lại bất ngờ hướng đến Fanpage Vietcombank, tấn công bằng nhiều bình luận nặng nề về dịch vụ sao kê tài khoản của ngân hàng trong 2 ngày 7-8/9, khiến ngân hàng phải khóa tính năng bình luận.

Ngay lập tức, cư dân mạng lại chuyển hướng tấn công sang ứng dụng Vietcombank. Họ tiếp tục bình luận tiêu cực và đánh dấu rate 1 sao cho ứng dụng này. Những thắc mắc của dân mạng tập trung vào việc chất lượng giấy in sao kê, một số điểm chưa rõ ràng của nội dung sao kê,... Thậm chí sau khi phàn nàn, nhiều người còn quyết định sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác nếu Vietcombank không làm rõ sự việc.

Vietcombank lên tiếng

Sáng ngày 9/9, Vietcombank đã chính thức lên tiếng về vấn đề sao kê đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây.

Ngân hàng cho biết, theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và quy định hiện hành của Vietcombank, ngân hàng sẽ thực hiện in sao kê tài khoản để cung cấp theo yêu cầu của khách hàng. Trên sao kê tài khoản, Vietcombank cung cấp thông tin về số dư đầu kỳ, số dư cuối kỳ, các giao dịch trong kỳ sao kê và số dư cuối ngày của tài khoản, trong đó, số dư cuối ngày của tài khoản được hiển thị một lần vào cuối mỗi ngày giao dịch. Tuỳ theo hình thức nhận sao kê theo yêu cầu của khách hàng (bằng văn bản hoặc qua các kênh trực tuyến), các định dạng về mẫu sao kê có thể khác nhau nhưng đều đảm bảo đầy đủ thông tin quy định.

"Chúng tôi luôn cam kết về tính minh bạch, chính xác của các thông tin trên sao kê tài khoản của khách hàng được cung cấp chính thức bởi Vietcombank. Theo quy định về bảo mật thông tin, ngân hàng chỉ được quyền cung cấp thông tin sao kê tài khoản cho khách hàng, người được khách hàng ủy quyền hợp pháp hoặc các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu", phía Vietcombank cho biết.

Cổ phiếu ngập trong sắc đỏ

Mặc dù đã có động thái lên tiếng, tuy nhiên trong phiên giao dịch ngày 9/9, cổ phiếu VCB của Vietcombank đã giảm 0,4% xuống 99.300 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch hơn 800.000 cổ phiếu.

Giá cổ phiếu VCB đóng cửa ngày 9/9.

Giá cổ phiếu VCB đóng cửa ngày 9/9.

Về tình hình kinh doanh, VCB ghi nhận 36.225 tỷ đồng thu nhập lãi thuần cho cả năm 2020 (+5% so với cùng kỳ) nhờ vào dư nợ cho vay tăng 14% so với cùng kỳ 2019 và NIM giảm. Vào cuối năm 2020, tín dụng của VCB đã tăng 14% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 12%. Tuy nhiên, NIM trong 2020 giảm 18 điểm cơ bản so với cùng kỳ do các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Biến động giá cổ phiếu VCB 6 tháng qua.

Biến động giá cổ phiếu VCB 6 tháng qua.

VCB đã rất tích cực trong việc xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng. Chi phí dự phòng năm 2020 tăng 46% so với cùng kỳ năm 2019, dẫn đến tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) tăng vọt lên 370% vào cuối 2020, từ mức 180% tại cuối năm 2019, cao nhất trong hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu được cắt giảm xuống 0,6%, từ 0,8% vào cuối Q2/19, thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng.

Hiện VCB vẫn đang là ngân hàng có hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất trên toàn hệ thống với chất lượng tài sản tốt, đặc biệt, tiếp tục dẫn đầu về LLR trên toàn ngành ở mức 352% trong 6 tháng đầu 2021. Do đó, đây cũng là một trong những cổ phiếu ngân hàng được săn đón suốt thời gian qua.

Với hiện tượng cổ phiếu của VCB suy giảm, có thể một phần ảnh hưởng từ câu chuyện sao kê tài khoản ngân hàng để chứng minh hoạt động từ thiện của MC Trấn Thành, tuy nhiên, nhìn rộng ra bức tranh chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán trong thời gian qua cũng đang chững lại. Các cổ phiếu ngành ngân hàng liên tục đỏ sàn trong tháng qua, đây là tình trạng chung, không phải của riêng VCB.

Lý giải về nguyên nhân cổ phiếu ngân hàng chững lại đà tăng, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, trong 2 quý đầu năm nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm dẫn dắt thị trường và giúp cho thị trường có mức điểm lên 1.400 điểm trong tháng 6. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện tại, nhóm này lại một phần nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu khi nhóm này mất vị thế dẫn dắt đà tăng của thị trường.

Các thông tin gần đây cũng cho chúng ta những quan ngại về triển vọng tăng trưởng của nhóm ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm 2021. Trong bối cảnh NIM cơ bản đã ở mức khá cao, có thể coi là đỉnh, cùng với đó xu hướng nợ xấu gia tăng sẽ khiến các ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng mạnh hơn trong hai quý 3 và quý 4”, ông Lê Ngọc Nam cho biết.

Theo đó, có thể nói là "nằm không cũng trúng đạn", VCB đang phải nếm "vị đắng" một cách bất ngờ theo diễn tiến vụ việc các nghệ sĩ sao kê tài khoản ngân hàng chứng minh hoạt động làm từ thiện. Hi vọng "vị đắng" này sẽ sớm phai nhạt trước thành tích lợi nhuận top 1 bất bại của VCB. Và biết đâu, đây cũng là một dịp để các ngân hàng nhìn lại các dịch vụ của chính mình.