Hà Nội hiện còn hơn 100 cơ sở nhà máy cũ chưa di dời khỏi khu vực nội đô. Theo giới bất động sản, những lô đất “vàng” như tại nhà máy Rạng Đông vẫn có thể đem “tiền tấn” về cho doanh nghiệp nên họ không dễ gì buông bỏ.

p/Công tác di dời Nhà máy Rạng Đông ra khỏi nội đô còn chậm trễ lý do chính là do cơ chế, chính sách trong việc thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp với Thành phố còn chưa rõ ràng.

Công tác di dời Nhà máy Rạng Đông ra khỏi nội đô còn chậm trễ lý do chính là do cơ chế, chính sách trong việc thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp với Thành phố còn chưa rõ ràng.

Chủ trương di dời đã có

Được biết, trước đó Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã 2 lần có Văn bản đề nghị UBND thành phố cho phép lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thành khu đô thị tại khu đất số 15 Hạ Đình.

Tuy nhiên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đều cho rằng, việc nhà máy Rạng Đông di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tổ chức lập quy hoạch chi tiết tại khu trên là không có cơ sở và cần chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Liên quan đến vấn đề Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng đã phê duyệt vấn đề di dời các các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra từ lâu.

Thực hiện chủ trương trên, tháng 6/2019 theo Số liệu báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Bộ Xây dựng cho thấy hiện có 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102ha. 27 cơ sở đã được UBND TP chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.

Chủ trương đã có, kế hoạch đã được xây dựng, tuy nhiên trên thực tế tiến độ di dời của các cơ sở sản xuất trên dường như “dậm chân tại chỗ”. Vấn đề vướng mắc lớn nhất lúc này có lẽ nằm ở chỗ ai sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển đổi giá trị sử dụng đất?

Đấu giá công khai

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, vụ hỏa hoạn xảy ra tại Rạng Đông là hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm và tình trạng trì trệ trong việc di dời các cơ quan xí nghiệp sản xuất trong nội đô.

Theo ông Chính, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 thậm chí đến năm 2050. Về nguyên tắc, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đối với từng cơ quan, từng cơ sở đều đã được duyệt. Thậm chí di dời về đâu và sau khi di dời quỹ đất đó dùng cho mục đích gì Thành phố cũng đã nêu rõ.

Tuy nhiên, thời gian qua công tác di dời còn chậm trễ lý do chính là do cơ chế, chính sách trong việc thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp với Thành phố còn chưa rõ ràng. Trong đó, các vấn đề như việc hỗ trợ đất tại cơ sở mới, quy định thuế, đặc biệt vấn đề đấu giá khu đất sau khi di dời được quy định như thế nào? Sử dụng vào mục đích gì? Ai là người làm chủ?... thì lại chưa rõ.

Do đó, ông Chính cho rằng, khi quy hoạch đã được duyệt, thì hãy cứ theo quy hoạch mà làm. Nếu doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương muốn điều chỉnh quy hoạch phải có trách nhiệm thông báo công khai để người dân theo dõi, giám sát.

Đặc biệt, góp ý về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nêu quan điểm, sau khi di dời nhà máy, công năng sử dụng khu đất đó đã được thay đổi từ nhà máy sản xuất trở thành địa điểm phát triển khu đô thị. Khi đó giá trị bất động sản được thay đổi và nó thường trở thành mảnh đất vàng của đô thị.

“Nếu ai đó lợi dụng các chủ trương này, “bẻ lái” để mang lại lợi ích riêng cho doanh nghiệp là không đúng và đi ngược lại hoàn toàn chủ trương của Nhà nước” – ông Lê Hoàng Châu khẳng định.