Cùng lắm là đeo kính, đội mũ, mặc áo chống nắng và bôi kem là cùng chứ gì. Cho đến khi tôi vào đến nơi này.

Chùa Chén Kiểu, điểm đến tân linh của bà con dân tộc Khmer.

Chùa Chén Kiểu, điểm đến tân linh của bà con dân tộc Khmer.

Nắng, từ 6h sáng. À không! Sớm hơn! Đã chói chang một màu. Không phải là màu mật ngọt. Là nắng cháy thật. Chiếu thẳng vào ô cửa sổ phòng ngủ. Kế hoạch hôm nay đi du ngoạn là sẽ đi nơi xa trước rồi về gần thành phố sau, nên quãng đường hơn 10km cần trang bị kĩ càng.

Con đường quốc lộ 1A hướng về phía Bạc Liêu đi dọc theo sông, không đông đúc như đường quốc lộ ngoài Bắc. Nắng lên và đã bắt đầu khá chói mắt. Tôi phóng xe nhanh hơn.

Gian chính điện nổi bật với màu hồng.

Gian chính điện nổi bật với màu hồng.

Chùa Chén Kiểu là một trong những đích đến của tôi trong chuyến đi Sóc Trăng này. Với vẻn vẹn hai ngày mà có đến 4 ngồi chùa Khmer tôi muốn ghé thăm cùng rất nhiều món ngon muốn thử và cuộc sống của những người dân nơi đây muốn khám phá nên tôi phải nhanh chân hơn mới được. Sau nửa tiếng trên đường, cuối cùng tôi cũng đến nơi.

Chùa Chén Kiểu có tên Khmer là Wath Sro Loun, để dễ phát âm nên từ Sro Loun được đọc chại thành Sà Lôn. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong – là tên của 1 con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa, và tên gọi ấy đồng thời cũng được dùng để đặt tên chùa.

Qua cánh cổng chùa mang phong cách truyền thống Angkor Campuchia, tôi bước vào thế giới của màu sắc. Khác với các ngôi chùa ở miền Bắc, các ngôi chùa Khmer có màu sắc rất nổi bật, đậm nét văn hóa Khmer. Chùa Chén Kiểu không chỉ có màu vàng đặc trưng mà còn có màu hồng và xanh vô cùng đẹp mắt. Từ cổng chùa đến các bức tượng, kiến trúc mái vòm đều vô cùng màu sắc, nổi bật trong ánh nắng mặt trời. Sân chùa được lát gạch sạch sẽ và xung quanh là vườn cây cổ thụ với những cây thốt nốt vươn mình thẳng đứng.

Dọc lối vào chùa là 2 hàng tượng thần Kâyno (kerno), đây là những bức tượng có khuôn mặt tiên nữ Apsara – tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng và thân hình chim thần Garuda – tượng trưng cho sức mạnh. Toàn bộ ngôi chùa được trang hoàng lộng lẫy với cờ Phật giáo nhiều màu sắc.

Giữa sân chùa là cột cờ với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu khá sinh động theo điển tích rắn xòe đầu ra để che mưa cho Đức Phật khi người tọa thiền. Rắn thần Nagar là mô típ trang trí quan trọng trong nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Khmer. Người Khmer
Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung, chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Ấn Độ, vì thế Phật giáo Tiểu thừa là tôn giáo chính, chi phối đời sống tinh thần của họ. Các ngôi chùa của người Khmer thờ Phật Thích Ca, mà không thờ các vị Quan âm hay Bồ Tát khác và họ tin rằng tổ tiên của họ là mẹ rắn, nên có tín ngưỡng thờ rắn và hình tượng rắn thường xuất hiện trong chùa.

Theo chân những vị khách, tôi bước vào tòa chánh điện, nơi trang nghiêm nhất của chùa. Tất cả các cửa sổ trong chánh điện đều mở rộng cửa đón nắng và gió. Trên ban chính có khoảng 20 bức tượng Phật lớn nhỏ nhiều tư thế và kích cỡ khác nhau. Mùi hương thoang thoảng và màu khói quyện màu nắng khiến không gian vô cùng huyễn hoặc. Những chiếc cột với nét vẽ tỉ mỉ cùng những bức tường vẽ cuộc đời Đức Phật Thích Ca sắc nét, màu sắc vô cùng sống động. Tôi nán lại một chút trong gian Chính điện, chắp hai tay trước ngực, để lòng mình tĩnh lặng. Xung quanh, nghe những tiếng lầm rầm cầu khấn khe khẽ. Có tiếng Kinh và cả tiếng Khmer.

Năm 1815, chùa Chén Kiểu bắt đầu xây dựng bằng các vật liệu lá cây, gỗ, đất…, những vật liệu sẵn có của địa phương. Trải qua nhiều thay đổi do thiên tai địch họa, đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay. Tòa Chánh điện ở giữa, sala – nơi ở của các sư trong chùa nằm bên trong, khu để kinh sách và tháp bảo.

Lững thững đi trong không gian náo nhiệt của màu sắc, tôi mới hiểu vì sao nơi này không chỉ là địa điểm hành hương tâm linh mà còn là nơi du khách có thể tìm hiểu văn hóa của người dân Khmer. Kiến trúc chùa tháp, những bức tượng đắp nổi, màu sắc đều vô cùng tươi sáng và sống động. Nổi bật trong chùa Chén Kiểu chính là gian thờ được xây bằng nguyên liệu từ chén bát. Nghe nói trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, đĩa từ bà con trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí khác lạ. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai: “Chùa Chén Kiểu”.

Những mảng ghép từ bát đĩa tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.

Những mảng ghép từ bát đĩa tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.

Hành lang với những chiếc bát úp có hoa văn rất đẹp. Những mảnh sành mảnh sứ vỡ khi đặt lên bức tường, dưới đôi bàn tay tài hoa của người thợ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Khmer. Mỗi chiếc bát chiếc đĩa lại có những hoa văn, họa tiết khác nhau, tạo nên bức tranh nhỏ trong một bức tranh lớn, trong một tổng thể tranh tường lạ mắt và ấn tượng.

Chùa Chén Kiểu là một ngôi chùa nổi tiếng tại Sóc Trăng, là địa điểm hành hương tâm linh không thể thiếu đối với đời sống của người dân và cộng đồng người Khmer.

Với những vị khách du lịch, đây là nơi để lại nhiều ấn tượng về văn hóa người Khmer qua kiến trúc, màu sắc và cuộc sống của những người dân quanh vùng.

Tôi ra về với một mớ lỉnh kỉnh treo trên xe nào cá khô các loại, nào rau củ quả tươi được mua ngay trong khu vực cạnh chùa. Đây đều là những sản vật địa phương có thể mua mang về làm quà. Tối nay, trong chùa có một buổi văn nghệ được một gia đình trong xã tổ chức nên chúng tôi quyết định sau khi đi thăm các nơi khác nữa sẽ quay lại đây để nghe nhạc và thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị Khmer.

Trời nắng chang chang vào ban trưa. Trong nắng, ngôi chùa với những mảng tưởng vàng càng óng ánh, thấp thoáng sau rặng cây. Cho đến khi xe đi khuất sau một khúc quanh.