Tại Diễn đàn xuất khẩu 2020 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững vùng cung ứng nguyên liệu sau COVID-19”, diễn ra mới đây tại TP. HCM, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn FDI đang dịch chuyển cũng như tăng tính bền vững cho chuỗi kết nối. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo và đang đi sau so với các quốc gia khác trong khu vực.

Các diễn gia tại Diễn đàn Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2020

Các diễn gia tại Diễn đàn Xuất khẩu năm 2020.

Ông Frederick R. Burke - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc Công ty Baker & Mckenzie Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mô hình kinh tế thế giới, các doanh nghiệp vì thế phải tập trung vào những xu hướng, mô hình kinh doanh mới đang nổi lên như cách làm việc online, dịch chuyển chuỗi cung ứng về một số nước về Đông Nam Á - nơi đang có cách kiểm soát dịch hiệu quả...

Trong khi đó, dù chiến tranh thương mại vẫn chưa hạ nhiệt, khó đoán và phức tạp thì cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ vẫn rất nhiều tiềm năng.

Theo ông Frederick R.Burke, hiện Mỹ đang điều tra các sản phẩm gỗ của Việt Nam có phải là gỗ lậu, không rõ nguồn gốc hay không, dù đến nay kết quả chưa ngã ngũ nhưng nếu bị trừng phạt, gỗ Việt Nam sẽ gặp khó khăn vào thị trường Mỹ.

"Xu hướng hiện nay người dùng đòi hỏi nhiều hơn về trách nhiệm xã hội, sản phẩm thân thiện môi trường. Vì vậy, sản phẩm gỗ của Việt Nam nhập vào Mỹ sẽ gặp khó hơn nếu không tuân thủ theo quy định quốc tế" - ông Frederick R. Burke nói.

Tuy nhiên, điều lo lắng hiện nay, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC) và khu vực vẫn còn hạn chế, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (theo WB, độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần Trung Quốc) thì mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN.

Số liệu của WB cho thấy, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các GVC, xếp thứ 53 trong số 174 quốc gia. Con số này chưa bằng 1/4 của quốc gia tiếp theo trong khối ASEAN là Philippines với 84,8 tỷ USD (xếp thứ 34). Đồng thời mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam vẫn còn thấp.

Ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề tới hoạt động giao thương, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng với thành tích phòng chống dịch được cả thế giới ghi nhận và đánh giá cao; GDP 9 tháng năm 2020 tăng trưởng dương 2,12% (thuộc số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương); xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2020 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

“Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, Hiệp định RCEP mới được ký kết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, thu hút sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng” - ông Tín nhấn mạnh.

Đánh giá về sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) trong chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Thương mại, Công ty Nghiên cứu Thị trường Kantar Worldpanel cho biết, mua sắm trực tuyến ngày nay đã tiếp cận được hơn một nửa dân số (56%). Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội rất lớn để mở rộng mạng lưới tiêu dùng trên nền tảng số bằng cách khai thác nhóm còn lại, đặc biệt là những người trên 50 tuổi.

Các mặt hàng tiêu dùng mạnh trên kênh thương mại điện tử sau khi đại dịch bùng phát là quần áo (tăng 32%), nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như thực phẩm và đồ uống (tăng 34%), sản phẩm chăm sóc gia đình và chăm sóc cá nhân (tăng 30%), sản phẩm sữa (tăng 22%), thực phẩm em bé (tăng 23%), thiết bị gia dụng cùng với thiết bị điện tử đều tăng 21%...

Hơn 1/3 hộ gia đình ở thành thị mua sắm các sản phẩm FMCG trực tuyến và với khuynh hướng hiện tại, có thể kỳ vọng lượng người mua hàng FMCG tăng lên từ 17-25% mỗi năm.

“Hiện giờ đã có 56% người dân thành thị có mua sắm thương mại điện tử, tuy nhiên, thương mại điện tử ở Việt Nam đâu đó chỉ mới dưới 10% thôi. Trong vòng 3-5 năm tới, tỷ trọng thương mại điện tử từ 15-20%”, ông Hoàng dự báo.

Ngoài ra, thương mại điện tử trong chuỗi cung ứng trong đó mua sắm trực tuyến, xu hướng thanh toán kỹ thuật số cũng hứa hẹn sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Đây chính là những nền tảng để giúp cho hoạt động thương mại điện tử sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng thời gian tới và các doanh nghiệp cần phải nắm bắt nhanh cơ hội này để điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.