Các địa phương, các ngành cần “tinh chỉnh” cách tiếp cận với dòng đầu tư nước ngoài, xác định nhà đầu tư, khoản đầu tư nào là phù hợp nhất và phải loại bỏ ngay tình trạng “chạy dự án”-  đây là chia sẻ của ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN với DĐDN.  

Theo ông Thành, hoạt động thu hút đầu tư cần quán triệt tới từng cán bộ phụ trách thu hút đầu tư nước ngoài, họ phải thực sự tâm huyết thay đổi cách làm từ ngồi chờ bị động thành chủ động bỏ thời gian, công sức tìm hiểu đối tác đầu tư và nhu cầu đầu tư của địa phương, của ngành.

- Ông đánh giá thế nào về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư thời gian gần đây và cơ hội của Việt Nam trong trạng thái "bình thường mới”?

Sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi Trung Quốc đã bắt đầu từ trước khi diễn ra dịch COVID-19 và dịch bệnh này đã đẩy nhanh quá trình đó, tất nhiên là cộng hưởng thêm với một số yếu tố chính trị nữa.

Đối với khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, kể cả trước khi xảy ra dịch COVID-19, đã có nhiều doanh nghiệp quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ rốt ráo tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Trong khi diễn ra dịch COVID-19, hoạt động này chững lại đôi chút, nhưng ngay khi thấy kết quả chống dịch của Việt Nam cực kỳ ấn tượng, đã củng cố thêm lòng tin cho họ.

  Các cán bộ phụ trách thu hút đầu tư nước ngoài phải bỏ thời gian, công sức tìm hiểu đối tác đầu tư và nhu cầu đầu tư của địa phương, của ngành để hỗ trợ, chứ không phải nhà đầu tư nào “chịu chi” nhiều nhất để phục vụ.

Các nhà đầu tư bắt đầu hỏi thông tin từ chúng tôi nhiều hơn. Họ đang lên kế hoạch ngay khi tình hình dịch tại Hoa Kỳ được kiểm soát và Việt Nam mở cửa trở lại cho người nước ngoài thì họ sẽ vào Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội đầu tư. Các lĩnh vực rất đa dạng như: chăm sóc sức khỏe gồm dược phẩm, thiết bị y tế; tài chính, ngân hàng; sản xuất hàng xuất khẩu như thiết bị điện xuất khẩu sang Mỹ…

Xu hướng đó rất là rõ ràng, nhưng trong thuận lợi đó, tôi cũng lo lắng về việc năng lực của nền kinh tế Việt Nam có tiếp nhận được làn sóng mới này hay không. Nhà đầu tư nước ngoài đến nhưng chúng ta không đủ năng lực hay bị vướng rào cản thủ tục thì họ sẽ ra đi và đã ra đi thì rất lâu sau mới quay trở lại.

- Theo ông, vấn đề quan ngại nhất đối với các nhà đầu tư FDI lúc này là gì?

Những quyết sách lớn, vĩ mô về thu hút đầu tư FDI của Việt Nam đã có, nhưng mới ở dạng chung chung thôi. Nhược điểm cố hữu của Việt Nam là trong khâu triển khai, đây là điều tôi lo lắng. Bởi nếu như các cơ quan, đơn vị, địa phương thật sự công tâm, thật sự sáng tạo và chủ động thì sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Nếu triển khai công khai, minh bạch, sẽ giúp không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà cả các ngành kinh tế, các doanh nghiệp trong nước để có thể tận dụng được sự kết nối với các khoản đầu tư nước ngoài đó. Tuy nhiên, động cơ triển khai của một bộ phận cán bộ không trong sáng, cài cắm lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của mình vào để ra điều kiện không chính thức với các nhà đầu tư thì sẽ không triển khai được những chủ trương lớn.

- Cụ thể đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ đâu là vướng mắc lớn nhất, các nhà đầu tư đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam, thưa ông?

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ hết sức ấn tượng với tầm nhìn, chủ trương, sự quyết đoán, quyết tâm của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nếu đặt trong mối quan hệ so sánh giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN thì Việt Nam đứng hàng đầu, từ góc độ cam kết của các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người ra quyết sách cao nhất.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn của Việt Nam là triển khai các cam kết, các chủ trương lớn của lãnh đạo trong toàn hệ thống đến các bộ ngành, địa phương. Ví dụ, lĩnh vực năng lượng, rõ ràng Chính phủ đã xác định yêu cầu phát triển năng lượng bền vững, năng lượng sạch là bức xúc, cấp thiết, thiếu điện là nhãn tiền. Thế nhưng, bao năm nay, hệ thống phía dưới không thể triển khai được. Kết quả trong thực tế, các dự án điện lớn chưa được phê duyệt, không được triển khai.

Đơn cử, 2-3 năm nay chúng ta nói nhiều về các dự án điện khí LNG nhưng thực tế hiện mới chỉ có 1 dự án duy nhất của Tập đoàn AES được phê duyệt và đi vào triển khai còn lại vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, hiện các dự án điện khí LNG đang được đề xuất tới Chính phủ lên tới gần 50.000 MW. Một số dự án điện khí LNG mới đây đã được bổ sung quy hoạch và chấp thuận có Dự án điện khí LNG Bạc Liêu, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long An I và Long An II đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được điều chuyển từ sử dụng nhiên liệu than sang dùng nhiên liệu khí LNG, với tổng công suất sau khi chuyển đổi là 3.000 MW; Trung tâm điện khí LNG Long Sơn và Cà Ná…

Nguyên nhân của tình trạng này là thủ tục phê duyệt phức tạp, nhiều khâu, nhiều yêu cầu không phù hợp với thực tế. Khi mà các nhà đầu tư của chúng tôi đầu tư vào đây gặp phải những vấn đề này khiến doanh nghiệp rất nản lòng.

- Vậy thay mặt các nhà đầu tư Hoa Kỳ, ông có khuyến nghị như thế nào với Việt Nam?

Tôi cho rằng giải quyết những vấn đề này tương đối phức tạp. Ví dụ riêng với vấn đề về năng lượng mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang đặc biệt quan tâm. Việc phục hồi kinh tế sắp tới của Việt Nam sẽ khiến nhu cầu về năng lượng tăng lên nhanh chóng. Nhưng thời gian qua, rất đáng tiếc là các dự án điện, phát điện mới không có, không triển khai được do rất nhiều lý do.

Do đó, đòi hỏi Bộ Công thương, ngành điện lực, Bộ Tài chính phải ngồi lại với nhau, đặt mình vào địa vị của doanh nghiệp để gỡ từng vướng mắc về thủ tục đầu tư và các điều kiện cho chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp. Chúng ta phải áp dụng tinh thần quyết liệt như trong thời gian chống dịch vào những lĩnh vực quan trọng như năng lượng để đơn giản hóa thủ tục đầu tư và phải triển khai một cách quyết đoán.

Việt Nam đang có thời cơ rất thuận lợi là hiện Chính phủ Hoa Kỳ đã dành ra khoản ngân sách hơn 100 tỷ USD, ít nhất trong 12 tháng tới bắt đầu từ tháng 5 để hỗ trợ các đối tác của các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể vay vốn để thực hiện các hợp đồng với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà đầu tư của Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng nguồn vốn này.

Với chiến lược thu hút FDI lâu dài của Việt Nam, đã tới lúc, Việt Nam phải xác định chiến lược, phải lựa chọn những đối tác nào, khoản đầu tư nào là khả thi nhất thì tập trung vào đó chứ không đón tiếp dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm, để cuối cùng không đón được ai.

- Xin cảm ơn ông!

 

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam:

Hậu COVID-19, không riêng nhà đầu tư Hàn Quốc mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ tìm đến đầu tư tại Việt Nam dù trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư tại khu vực với các “láng giềng” như Indonesia, Philippines, Thái Lan ngày càng gay gắt.

Việt Nam có lợi thế lớn so với các nước trong khu vực, nhất là tình hình chính trị - xã hội ổn định, chính sách cởi mở, nhất là sự hỗ trợ tận tình của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp các nhà đầu tư nước ngoài tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục, pháp lý… mà không phải chính phủ nào cũng làm được như vậy.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam:

Với quyết sách phương châm chống dịch vô cùng hiệu quả của Chính phủ, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu-bán lẻ với Việt Nam, với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay.

Trong khi đó, các quốc gia sản xuất thuỷ sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong toả cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu. Indonesia hay Philipine, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam.