Mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và chuyển hoá thành các nguồn lực thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

p/Ông Trần Văn Sơn - Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên (thứ 3 bìa trái), ông Mùa A Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (thứ 3 bìa phải) cùng đại diện VCCI, các doanh nghiệp, nhà đầu tư bên hành lang Hội nghị gặp mặt và đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên, tháng 1/2018.

Ông Trần Văn Sơn - Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên (thứ 3 bìa trái), ông Mùa A Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (thứ 3 bìa phải) cùng đại diện VCCI, các doanh nghiệp, nhà đầu tư bên hành lang Hội nghị gặp mặt và đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên, tháng 1/2018.

Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2017, Chỉ số PCI của Điện Biên đạt 60,57 điểm, tăng 4,09 điểm, xếp hạng thứ 48/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 4,09 điểm và 5 bậc so với năm 2016), nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số trung bình của cả nước, xếp thứ 7/14 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, nằm trong nhóm đứng đầu các tỉnh khu vực Tây Bắc.

“Hiệu ứng từ PCI”

Kết quả trên đã tác động trực tiếp tới môi trường đầu tư, kinh doanh của Điện Biên.
Năm 2017, tỉnh có 115 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 1.205 tỷ đồng; đăng ký thay đổi, bổ sung cho 180 lượt doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.130 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 15.635 tỷ đồng; 180 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại địa phương.

Năm 2017, Điện Biên đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 28 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 3.200 tỷ đồng, đồng thời cấp Giấy Chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho 5 dự án, đưa tổng số dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh vào địa bàn tỉnh Điện Biên lên 122 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 21 nghìn tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, tỉnh đã thu hút, cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 1061,93 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo thực hiện các thủ tục cấp chủ trương cho nhiều dự án lớn như: Dự án xây dựng Trung tâm thương mại của Công ty Cổ phần Vincom; Các Dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và một số dự án lớn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp khác...

  Năm 2018, bước đầu tỉnh Điện Biên xây dựng bộ chỉ số đánh giá tính sáng tạo và kết quả chỉ đạo điều hành  của chính quyền cấp huyện, cấp Sở (DDCI).

Tỉnh Điện Biên hiện đang áp dụng các hình thức ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất mà luật pháp cho phép đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là những lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến...

Theo ông Mùa A Sơn, với điều kiện kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn của Điện Biên, kết quả trên là một nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng, tham gia tích cực, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng hội tụ, điểm số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi các tỉnh nhóm dưới có nhiều nỗ lực cải cách và áp dụng các thực tiễn tốt về cải thiện môi trường kinh doanh từ các tỉnh khác. Đồng thời, các tỉnh này cũng có sự cải thiện đáng kể khi kết hợp thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, các tỉnh nhóm trên của bảng xếp hạng PCI tiếp tục có những sáng kiến tốt và các giải pháp mang tính thực chất để tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư.

 Đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp

Theo ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Kỳ vọng của doanh nghiệp vào sự đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đối với các cấp chính quyền là rất lớn. Điều đó cho thấy Điện Biên đang còn nhiều dư địa cải cách.

“Điện Biên đang có những nguồn lực rất lớn cần khai thác hiệu quả. Bởi vậy, với mục tiêu chính quyền đồng hành, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu nâng chỉ số PCI tỉnh đạt trên 65 điểm và phấn đấu tăng từ 2 đến 3 bậc trên bảng xếp hạng chung của cả nước” - ông Mùa A Sơn cho biết.

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Mùa A Sơn: Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 09/3/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Điện Biên và các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020.
Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng vận dụng tối đa mức ưu đãi thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những khó khăn phát sinh từ các nguyên nhân chủ quan.

Bên cạnh đó, căn cứ kết quả phân tích từng tiêu chí cụ thể của các chỉ số thành phần cấu thành nên điểm số PCI của tỉnh, các Sở, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc đề ra và tổ chức thực hiện các giải pháp để khắc phục những mặt còn tồn tại, giữ vững kết quả tích cực đã đạt được, tiến tới cải thiện, nâng cao các chỉ số trong thời gian tới.

Tạo lập môi trường kinh doanh hiệu quả

Điện Biên sẽ tăng cường hơn nữa việc tham vấn, trao đổi, đối thoại giữa chính quyền tỉnh, chính quyền cấp huyện với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận, làm cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp với vai trò là cầu nối giữa chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Tỉnh sẽ chú trọng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ công chức, viên chức tại các bộ phận một cửa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xử lý các yêu cầu về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao đạo đức công vụ, đặc biệt là tinh thần, thái độ khi giao dịch với doanh nghiệp, người dân.

Đối với doanh nghiệp, Điện Biên đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí không chính thức của doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố ý gây sách nhiễu cho doanh nghiệp dẫn đến phát sinh chi phí không chính thức của doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai các giải pháp để khuyến khích phát triển về số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy khởi nghiệp; Đẩy mạnh các giải pháp để cải thiện niềm tin của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh của tỉnh để doanh nghiệp tái đầu tư, mở rộng đầu tư phát triển sản xuât kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh.

Điện Biên sẽ thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ với phương châm phục vụ, chăm sóc tối ưu, theo sát bước chân nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; Thúc đẩy thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh bằng việc tăng cường các giải pháp, chính sách thu hút đầu tư, làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp lựa chọn, đề xuất và thực hiện các dự án đầu tư; Cải thiện, đơn giản hoá các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chủ động, tích cực trong giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, năm 2018, bước đầu tỉnh xây dựng bộ chỉ số đánh giá tính sáng tạo và kết quả chỉ đạo điều hành của chính quyền cấp huyện, cấp Sở (DDCI) để đánh giá hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của các tổ chức kinh tế; thí điểm đánh giá ở một số Sở, đơn vị cấp huyện vào năm 2019, thực hiện đại trà trên địa bàn tỉnh vào năm 2020.