>> Trụ đỡ niềm tin!

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Khái niệm “Quản trị quốc gia” lần đầu tiên được sử dụng trong văn kiện đại hội XIII, và đặt nó trong quan hệ với mục tiêu “hạnh phúc của nhân dân”. Đại hội XIII đã khẳng định “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, và chế độ XHCN”.

-Phải chăng mục tiêu “nhân dân ấm no và hạnh phúc” thể hiện một nhận thức mới của Đảng về phát triển đất nước tại đại hội XIII, thưa ông?

Theo tôi thì đó là sự tiếp nối và hoàn thiện mục đích lãnh đạo đất nước của Đảng trong giai đoạn hiện nay và những năm sắp tới. Bởi ngay từ năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Nếu phân tích các văn kiện đại hội XIII thì chúng ta sẽ thấy sự nhất quán về nguyên lý phát triển đất nước. Theo đó, Đảng đề ra tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được sự phát triển bền vững, Đảng nhấn mạnh nguyên tắc: tăng trưởng kinh tế phải đi liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chúng ta hướng đến một một cấu trúc xã hội phát triển cân bằng, bao trùm, và quan hệ hài hòa giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội.

Đại hội XIII cũng khẳng định mục đích phát triển đất nước là vì con người. Tức là mọi sự thay đổi dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ được coi là thành công và có ý nghĩa nếu giúp nhân dân thực sự có được cuộc sống “hạnh phúc”. Điều này thể hiện qua sự bổ sung nguyên tắc “Nhân dân thụ hưởng” vào phương châm chung mà chúng ta đã thực hiện bấy lâu nay: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

>> Quyền được đối xử công bằng của bệnh nhân COVID-19

-Ông có thể nói rõ hơn khái niệm “quản trị quốc gia” có mối liên hệ thế nào với mục tiêu “hạnh phúc của nhân dân”?

“Quản trị quốc gia” là một khái niệm mới, lần đầu tiên được sử dụng trong văn kiện đại hội XIII. Khác với các khái niệm như “Quản lý nhà nước” hay “Quản lý hành chính” vốn nhấn mạnh vai trò của chính quyền và các thiết chế nhà nước, tư duy quản trị mở rộng và coi trọng cả vai trò của các chủ thể ngoài nhà nước trong quá trình “chèo lái” con thuyền đất nước đến bến bờ hạnh phúc.

Tôi cho rằng, việc sử dụng khái niệm “quản trị quốc gia” cho thấy sự bám sát thực tiễn trong nhận thức của Đảng. Đại dịch COVID-19 hiện nay cho thấy, với rất nhiều vấn đề, nếu chỉ dựa vào nhà nước thì sẽ rất khó giải quyết. Nói cách khác, sự phát triển của đất nước trong thời gian tới cần sự chung tay của mọi chủ thể đến từ khu vực công, khu vực tư nhân, cũng như khu vực cộng đồng xã hội.

Tư duy quản trị hiện đại nhấn mạnh sự thỏa mãn các lợi ích đa dạng trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Có nghĩa là, các quyết định chính sách không chỉ dựa trên lợi ích công như trước đây mà tất cả các lợi ích đa dạng đều được tôn trọng và đáp ứng. Đây chính là yếu tố có thể bảo đảm “hạnh phúc” cho mọi tầng lớp nhân dân.

-Vậy theo ông, đâu là những ưu điểm của tư duy quản trị quốc gia hiện đại?

Khác với tư duy quản lý nhà nước truyền thống, tư duy quản trị đem đến khả năng kết hợp giữa Chính quyền với doanh nghiệp và các tổ chức Chính trị xã hội, cũng như các tổ chức xã hội; các chủ thể trong và ngoài nước trong quá trình giải quyết các vấn đề mang tính tập thể.

Các nhà lãnh đạo và quản lý sẽ có thể kết hợp ưu điểm của cơ chế hành chính với cơ chế thị trường và nguyên tắc tự nguyện để hiện thực hóa chủ trương, đường lối lãnh đạo, hoạch định và và thực thi chính sách. Các mối quan hệ mạng lưới, với tính chất bình đẳng và hợp tác, sẽ giúp huy động được nguồn lực và ưu điểm của các chủ thể khác nhau trong hoạch định và thực thi chính sách.

-Thế còn những thách thức với chủ trương xây dựng nền quản trị quốc gia, thưa ông?

Theo tôi, thách thức đầu tiên là về nhận thức. Chúng ta có truyền thống coi trọng vai trò quản lý của nhà nước, nhấn mạnh sự can thiệp của chính quyền vào đời sống kinh tế - xã hội. Trong khi đó, tư duy quản trị đòi hỏi sự tôn trọng vai trò của các chủ thể ngoài nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu với các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ phải coi các chủ thể ngoài nhà nước là đối tác bình đẳng trong quan hệ với chính quyền.

Thách thức đáng kể thứ hai là năng lực thực sự của các chủ thể ngoài nhà nước ở nước ta hiện nay. Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, khu vực tư nhân và cộng đồng xã hội ở nước ta đã có sự trưởng thành rõ rệt. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các chủ thể tư nhân và cộng đồng đã đủ khả năng tham gia vào các hoạt động quản trị đất nước.

Thách thức thứ ba là chúng ta nói chung còn khá lạ lẫm với tư duy quản trị, vốn có nguồn gốc từ các quốc gia có truyền thống và trình độ phát triển hơn chúng ta. Thực tế này đòi hỏi các nhà nghiên cứu cũng như các nhà lãnh đạo và quản lý phải bám sát thực tế đất nước, coi trọng những đặc thù bối cảnh và trình độ phát triển trong quá trình xây dựng mô hình quản trị quốc gia gắn với Việt Nam.

-Đại hội XIII có đưa ra những gợi mở về mô hình quản trị quốc gia trong tương lai? Ông có đề xuất gì không?

Từ góc nhìn quản trị thì đại hội XIII tiếp tục khẳng định truyền thống của Việt Nam – đó là quản trị nhà nước. Nguyên lý thể hiện mô hình quản trị nhà nước là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Đó là hệ thống quản trị với Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo; các thiết chế nhà nước thực hiện chức năng quản lý; Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò cầu nối giữa nhân dân với nhà nước.

Theo tôi, để xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại và hiệu quả thì chúng ta có thể điều chỉnh nguyên lý hệ thống theo hướng: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp làm giàu, Nhân dân làm chủ”. Sự bổ sung này đòi hỏi Nhà nước phải có thể kiến tạo phát triển, đồng thời đánh giá đúng hơn tầm quan trọng của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, qua đó bảo đảm cuộc sống cho người lao động và làm giàu cho đất nước.

-Xin cảm ơn ông!

Trong Báo cáo chính trị của BCH TW khóa XII trình bày tại Đại hội XIII, phần “Những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược của nhiệm kỳ đại hội XIII”, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Khái niệm này cũng được sử dụng với hàm ý như vậy trong phần “Bài học kinh nghiệm” của “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 05 năm 2016-2020” và “Phương hướng nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”; “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”; và “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 -2030”.