Phát biểu tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, hợp với nhu cầu, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi.

Khó khăn hiện hữu - thuận lợi “đặc thù”

Ở góc độ toàn cầu, GS. TS Nguyễn Đức Khương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: Môi trường kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động sâu và dài trong 3 năm của đại dịch COVID-19.

Chính vì vậy, các thách thức còn tiếp diễn đó là: Thứ nhất là gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy; Thứ hai là số hoá vẫn còn gập ghềnh; Thứ ba là người tiêu dùng vẫn hạn chế mua sắm, ít đến nhà hàng, hạn chế đi du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí dẫn đến doanh số giảm cho nhiều doanh nghiệp; Thứ tư, tìm nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong quản lý điều hành, sản phẩm, dịch vụ, phân phối thị trường mới; Thứ năm, nhân viên gặp khó khăn đi làm dẫn đến không thể sản xuất hoặc phục vụ khách hàng.

Cùng với thế giới, Việt Nam đã thay đổi chiến lược, sống chung với dịch bệnh, nhưng các nguy cơ dịch bệnh cản trở quá trình phục hồi không nhỏ.


 Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ và VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chương trình thường niên: Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng; Trao giải Chương trình Bình chọn Tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệpp/và môi trường kinh doanh (lần thứ IX)p/Ảnh: Tuấn Anh

Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ và VCCI, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chương trình thường niên: Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng; Trao giải Chương trình Bình chọn Tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh (lần thứ IX) Ảnh: Tuấn Anh

Trong bối cảnh ấy, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định: Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, nhưng mạnh mẽ đến đâu sẽ phụ thuộc vào 3 điều kiện chủ yếu: Thứ nhất là đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và khả năng bắt nhịp của Việt Nam. Tín hiệu khả quan là các đối tác thương mại chính của Việt Nam đều được dự báo có đà phục hồi tốt. Thứ hai là khả năng ứng phó với dịch bệnh.

 

Thích ứng từ hai phía

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh: Tác động của dịch bệnh càng cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải cải cách thể chế một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Bối cảnh mới đòi hỏi việc ra quyết định phải nhanh, toàn diện, có tính dài hạn đối với những vấn đề khó (khó dự đoán), phức tạp (tác động mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội), mới (chưa có tiền lệ).

Theo GS. TS Nguyễn Đức Khương: Cơ hội luôn đến từ khủng hoảng. Ngay cả trong thời kỳ suy thoái và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, một số công ty vẫn có thể giành được lợi thế. Theo Havard Business Revie 14% các công ty lớn ghi nhận tăng trưởng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận EBIT trong 4 lần suy thoái vừa qua.

Doanh nghiệp cần xác định cơ hội tăng trưởng dựa trên: các thay đổi theo tầng trong thói quen tiêu dùng; xác định loại và thời hạn của các xu thế. Trên cơ sở đó xem xét lại mô hình kinh doanh: thương mại điện tử; nền tảng trực tuyến; thị trường ngách; phân bổ vốn thông minh. Qua đó, thích ứng với những thực tế mới.

Từ thực tế hoạt động doanh nghiệp, theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết doanh nghiệp phải nâng cao khả năng quản trị hệ thống. Điều này vô cùng cần thiết trong hoạt động điều hành. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay chuyển đổi số và sáng tạo là giá trị cạnh tranh quan trọng.

Năm 2022, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường, các chuyên gia cho rằng, để phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, với mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh… đòi hỏi các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và doanh nhân cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn.

Đây là những yếu tố để doanh nghiệp chủ động vượt qua khó khăn, duy trì sự phát triển bền vững trong 2022 và những năm tiếp theo.

GS Nguyễn Đức Khương - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

Để phát triển kinh doanh, ngay cả trong thời kỳ suy thoái và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, một số công ty vẫn có thể giành được lợi thế. Chính vì vậy, cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh là việc làm cần thiết. Trong đó, kết hợp con người - máy móc để đáp ứng những yêu cầu mới từ khách hàng, hoạt động kinh doanh theo đó bền vững, có khả năng kháng cự với các cú sốc.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế:

Trong năm 2022 Việt Nam cần tận dụng tốt những thuận lợi trong việc khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA và các nhóm hàng ta có lợi thế gồm: Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: sắn, cao su, nhân điều, rau quả, Thủy sản, chè các loại; Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: than đá, xăng dầu các loại, dầu thô, quặng. Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp chế biến...

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực, Ủy viên Kinh tế của Quốc hội:

Càng ngày, chúng ta càng nhận ra cải cách thể chế phải được thực thi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, thể chế phải đi trước. Theo kinh nghiệm quốc tế, rất nhiều quốc gia trước khi cải cách dài hạn đã thành lập cơ chế phân quyền. Để sự phối hợp giữa các cơ quan được thuận lợi, không chỉ trong quốc gia mà còn trên trường quốc tế. Cuối cùng, phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và đặc biệt nhấn mạnh đến thời gian để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT):

Những nhóm ngành “dẫn đường” cho kinh tế Việt Nam 2022 gồm: Thứ nhất là nhóm ngành được kích thích bởi đầu tư công. Thứ hai là nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn. Thứ ba là nhóm ngành được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thứ tư là nhóm ngành thương mại điện tử và logistics. Thứ năm là nhóm ngành công nghệ thông tin sẽ hồi phục với mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam:

Các doanh nghiệp cần nhận định đúng vấn đề trong năm 2022 để có sự đầu tư đúng, trúng với các phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Đặc biệt là những phân khúc có khả năng khai thác kinh doanh hiệu quả tốt trong tương lai. Trong năm tới đây, dịch bệnh được dự báo vẫn chưa thể chấm dứt nhưng chủ trương của Chính phủ đã chấp nhận có những giải pháp để vừa giải quyết dịch bệnh, vừa giải quyết các biện pháp kinh tế.