Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ ba được tổ chức tại Việt Nam.

Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ ba được tổ chức tại Việt Nam.

Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo – Pacific Business Forum – IPBF) là sáng kiến của phía Hoa Kỳ được tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Washington vào năm 2018, nhằm tạo một nền tảng đối thoại chính sách và kết nối thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. IPBF được tổ chức lần thứ 2 tại Băng-cốc, Thái Lan năm 2019 trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN với sự tham dự Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, ASEAN và các nước đối tác cùng hơn 1000 đại biểu doanh nghiệp của khu vực. IPBF lần 3 là một trong những hoạt động doanh nghiệp ưu tiên của chính quyền Hoa Kỳ trong năm 2020.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn IPBF lần này, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ ông Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) ở Đà Nẵng, đã đưa ra tuyên bố chính sách đối ngoại quan trọng, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần đầu tiên được công bố.

Chủ tịch VCCI, TS.Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc Diễn đàn IPBF 2020.

Chủ tịch VCCI, TS.Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc Diễn đàn IPBF 2020.

Sau tuyên bố của Tổng thống Trump về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2017, Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ nhất đã diễn ra tại Washington DC vào năm 2018. Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ hai diễn ra tại Bangkok vào năm 2019.

“Chính tại diễn đàn ở Bangkok, tôi đã gặp Ngài Ross, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ và đưa ra đề xuất đầu tiên về việc Việt Nam đăng cai Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ ba” – Chủ tịch VCCI cho biết.

Trong chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam và Indonesia vào đầu tháng này, Thủ tướng Nhật Bản Suga đã tái khẳng định rằng “Việt Nam đóng vai trò trọng yếu trong việc đạt được tầm nhìn của chúng ta về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở ”. Ông Suga cũng cho biết “Nhật Bản, với tư cách là một quốc gia thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực.”

TS.Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Có ba trụ cột trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: an ninh, kinh tế và quản trị. Trong trụ cột kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng một vai trò quan trọng và Diễn đàn này là một trong những diễn đàn quan trọng nhất nơi các quan chức chính phủ cấp cao, các lãnh đạo doanh nghiệp tụ hội để cùng nhau thúc đẩy chương trình nghị sự chung của chúng ta: vì sự thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Diễn đàn IPBF 2020 lần thứ ba có sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các doanh nghiệp trong khu vực và đại diện cơ quan quản lý các nước.

Diễn đàn IPBF 2020 lần thứ ba có sự tham dự của hàng trăm đại biểu đến từ các doanh nghiệp trong khu vực và đại diện cơ quan quản lý các nước.

Chủ tịch VCCI bày tỏ, diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh cả hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang bước vào thời gian bầu cử. “Giống như Mỹ, chúng tôi đang bước vào thời kỳ bầu cử, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới. Năm nay cũng là năm đặc biệt đối với cả Hoa Kỳ và Việt Nam, đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao song phương của chúng ta” – TS Lộc cho hay.

“Hoa Kỳ là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong hành trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển trong 25 năm tới - năm 2045!” – TS. Vũ Tiến Lộc nói thêm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho biết, thế giới đang thay đổi rất nhanh vì Covid-19, công nghệ số và sáng tạo đổi mới, những cơ hội đang đến mỗi ngày một lớn cho những doanh nghiệp có công nghệ mới nhất.

Vì vậy, TS. Vũ Tiến Lộc hy vọng rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực đi đầu , và các nước thành viên đóng vài trò chủ chốt trong công cuộc đấu tranh chống Covid-19, định hình kinh tế tương lai khu vực và thế giới.

“Đây là tương lai của chính các bạn, của doanh nghiệp bạn và của gia đình bạn, vì các cộng đồng, các quốc gia trong khu vực của chúng ta, và vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”  – TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.