Tuổi thơ tôi ở một tỉnh miền Trung trải qua mùa Trung thu đầy ký ức đẹp với trăng rằm, vui chơi, ăn, uống, nhận quà… Trung thu năm nào cũng vui lắm, bọn trẻ trong xóm mong ngóng và chờ đợi với mục đích duy nhất được vui chơi, nô đùa, cùng nhau ăn uống.

Đó là những năm tôi học tiểu học rồi đến trung học cơ sở, dù lúc đó còn nghèo nàn thiếu thốn nhưng hương vị trung thu lan tỏa khắp xóm. Vài cô chú bác ở hội phụ nữ, hội hưu trí đã vận động quyên góp ủng hộ tiền, quà để tổ chức trung thu cho bọn trẻ. Mùa trung thu đến là dịp tụi trẻ ăn mâm cỗ và nhận phần quà gồm kẹo gương, mè xững, bánh đậu xanh.

Ký ức múa lân không thể nào quên, kéo dài 3 đêm liền vào các ngày 14, 15, 16. Tôi tụ tập mấy bọn trẻ trong xóm để múa lân, một đứa cầm đầu lân, hai đứa đội đuôi lân và đứa thì ngụy trang đeo mặt nạ đóng vai Ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… Cả nhóm cùng đi múa lân khắp xóm, trẻ nhỏ cũng đi theo vui chơi, nhà thì treo quà là bánh kẹo, nhà thì treo tiền trước cửa vào đêm rằm trung thu chờ đoàn lân tới biểu diễn và nhận lấy.

Hồi đó tùy theo sở thích và đều kiện mà mỗi bọn trẻ tự làm lồng đèn hình ngôi sao, chiếc thuyền, xe ôtô... Có những đứa sáng kiến làm lồng đèn bằng cách tận dụng và đục lỗ gáo dừa, vỏ bưởi, vỏ dưa, lon sữa rồi gián lên tờ giấy kiếng màu vàng, xanh, đỏ… Sau đó cắm cây đèn cầy nhỏ vào, dàn cảnh rước đèn, xách ra sân trường mẫu giáo - nơi được xem là chỗ vui chơi cho cộng đồng trong xóm, rộng rãi, chứa được nhiều người. Lồng đèn tự làm dù không xinh lắm nhưng đúng sở thích, ý tưởng của mình nên càng thú vị.

Ở trường trong giờ học vẽ mỹ thuật, cô giáo hướng dẫn cả lớp cách trang trí chiếc lồng đèn và nói lên ý nghĩa của nó qua hình ảnh. Chẳng hạn, chiếc lồng đèn tôi làm có hình dáng hoa sen thì tôi phải tự nêu ý nghĩa như hoa sen trong ao bùn tanh hôi nhưng vẫn vươn lên khỏi mặt nước để hớp sương, phơi nắng, tỏa hoa tinh khiết, con người dù ở trong cảnh khốn khó giống như hoa sen thì luôn vươn lên số phận để sống có ích cho đời.

Ở trường còn được nghe thầy cô kể sự tích “chú Cuội và chị Hằng” rồi tổ chức cho bọn trẻ chúng tôi giao lưu vui chơi, ca hát và ăn trái cây, kẹo dẻo, bánh nướng, bánh in. Chiều ngày rằm tháng tám, bọn trẻ chúng tôi được nhà trường cho về sớm để tắm rửa, đi chơi, xem múa lân. Tôi tận hưởng hương vị Trung thu, chẳng lo nghĩ đến bài vở ngày hôm sau.

Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.


Giờ đã lớn khôn, rời xa thời tuổi thơ nhưng cứ đến mùa trung thu là trong tôi lùa về biết bao kỷ niệm với những bọn trẻ cùng nhau vui chơi, nô đùa, ăn uống dưới ánh trăng rằm. Trí nhớ của tôi đến giờ vẫn vẹn nguyên những câu chuyện cổ tích cô giáo đã kể, chiếc lồng đèn tự làm, múa lân vui nhộn, đóng vai Ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới.

Tôi thấy ngày nay ở nhiều nơi mà nhất là ở các đô thị lớn, mỗi dịp Trung thu, bọn trẻ ít khi giao lưu với bạn đồng trang lứa. Lồng đèn cho bọn trẻ, phụ huynh mua là nhiều, hiếm khi để tụi trẻ tự làm theo trí tưởng tượng và sở thích. Nhiều đứa trẻ học cả ngày rồi đến chiều còn đi học thêm, tối về lo bài vở cho ngày mai. Dù là hàng xóm không phải ai cũng quen biết như ở quê ngày xưa, người lớn tự tổ chức Trung thu trong nhà, ít khi cho con mình ra chơi ở bên ngoài. Tôi trộm nghĩ, trẻ em không có bạn thì chơi Trung thu với ai ?

Nên chăng người lớn và các bậc phụ huynh hãy trả lại Trung thu đúng nghĩa cho trẻ em.