Hãy để ý xem, cứ mỗi dịp nắng nóng, trên nhiều trang báo lại xuất kiện “bí kíp” dùng điều hòa, tủ lạnh… tiết kiệm điện. Không ít những “khuyến cáo” như vậy dẫn người đọc đến với một vài thương hiệu.

Định luật bảo toàn năng lượng nói rằng: “năng lượng không tự sinh ra và mất đi mà năng lượng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Tiết kiệm điện tức là “bỏ đói” thiết bị, hy sinh điều đó để tiết kiệm điện không khác nào “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Giá điện được điều chỉnh tăng lên 8,36% từ ngày 20/3, nhưng cầm trên tay hóa đơn tiền điện tháng gần đây nhiều người tá hỏa vì con số “nhảy múa” loạn xạ. Thực ra EVN đã tăng bao nhiêu? Đó là câu hỏi gây xôn xao nhiều ngày nay.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, giá điện không chỉ tăng lên 8,36% như ngành điện đã tuyên bố.

Chuyện bắt đầu từ việc Bộ Công Thương chia giá điện thành 6 bậc, trong đó chỉ có bậc 1 (0- 50 kw); bậc 2 (51-100kw) là có giá thấp hơn giá bán lẻ bình quân (1.864 đ/kw), 4 bậc còn lại giá cao gần gấp đôi.

Bộ Công thương chia giá điện thành 6 bậc

Bộ Công Thương chia giá điện bán lẻ thành 6 bậc

Nếu người dùng “sơ ý” vượt qua ngưỡng giới hạn tức là toàn bộ cơ số điện đã dùng bị tính theo giá khác. Đây là nguyên nhân trực tiếp để con số tăng 8,36 gây bất ngờ!

Cách tốt nhất để tiết kiệm chi tiêu vào tiền điện lúc này là cố gắng… leo cột điện để theo dõi số điện mình dùng ở ngưỡng bao nhiêu!

Bây giờ hãy thử phân tích: Như biểu của Bộ Công Thương đưa ra tức là dùng điện càng nhiều giá càng đắt. Điều này có vẻ người ta xem năng lượng điện như một xa xỉ phẩm, không khuyến khích tiêu dùng.

Thông thường, để vận hành đúng bản chất của kinh tế thị trường, sản phẩm được mua càng nhiều càng phải giảm giá như một cách tri ân khách hàng, hay nói cách khác như một chiêu thức maketing cổ điển. Ví dụ: mua chai nước mắm tặng thêm cái bát; mua từ 5 sản phẩm trở lên được giảm một lượng giá nhất định, hoặc miễn cước giao nhận như thương mại điện tử thường áp dụng.

Từ đây có thể suy ra, người ta xem điện năng là mặt hàng không được bán nhiều? Hay có phải đó là cách thức để “móc” túi khách hàng trong khi chúng ta khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nắng nóng toàn quốc, nhà nhà cần điện để giải nhiệt, để không phải gánh nặng giá điện thì nhiều người phải dè sẻn?

Thêm nữa, với tư cách là một doanh nghiệp kinh doanh trong thị trường, EVN lẽ ra phải giảm giá, nâng cao chất lượng phục vụ, nếu điện được sử dụng ngày một lớn đó phải là điều đáng mừng mới đúng.

Dĩ nhiên, những điều vừa nói như trên chỉ xảy ra trong môi trường kinh doanh có cạnh tranh sòng phẳng. Có cạnh tranh doanh nghiệp mới “biết sợ” khách hàng tẩy chay, tăng giá bất chấp không khác nào “tự sát”.

Nhân đây xin nói thêm về hãng công nghệ Apple, đang gặp khó ở Trung Quốc nhưng họ không thể rời đi, vì họ biết rằng, nếu rời đi sẽ làm tăng chi phí dẫn đến tăng giá sản phẩm. Các chuyên gia tính toán rằng, nếu giá Iphone, Ipad tăng thêm vài phần trăm Apple sẽ lụi tàn trong vòng vài năm.

Mấu chốt ở chỗ, thế giới không chỉ mỗi Apple làm thiết bị thông minh di động, người ta có thể lãng quên Iphone ngay lập tức vì luôn có Samsung, Oppo, Xiaomi, Huawei…chực chờ thế chỗ.

Như thế đã rõ vì sao giá điện tăng gây “sốc” như vậy, bây giờ không mua điện của EVN chỉ còn cách lên rừng mà sống!

Ngành điện lực “một mình một ngựa” trên khắp các con sông có dòng chảy lý tưởng, người dân - khách hàng đã làm hết sức mình để xây dựng nên một doanh nghiệp lớn như EVN, cho nên nếu có chuyện khan hiếm điện không phải lỗi của người dân.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về danh mục bí mật Nhà nước của ngành. Theo đó, báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật. 

Có nghĩa rằng, rồi đây người dân có thể cầm tờ hóa đơn tiền điện lên đến “bạc triệu” mà không hiểu nguyên nhân từ đâu. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp có khi lỗ trắng máu vì tự dưng lòi ra khoản chi phí như trên trời rơi xuống…

Giá điện, xăng dầu tăng hay giảm đều phải lấy ý kiến dân chúng càng nhiều càng tốt. Nghĩ rằng, nếu thuận lòng dân không một doanh nghiệp nào phải khó khăn, chưa kể EVN thuộc dạng “con cưng” đầy rẫy “điều kiện”.

Như thế có phải gây nhiễu loạn thông tin, gây đồn đoán và là cơ hội để “thế lực thù địch” xuyên tạc, đơm đặt Evề chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ?

Khách hàng phải được tôn trọng, họ bỏ tiền ra chi trả dịch vụ thì phải biết được chất lượng dịch vụ đó như thế nào, đó là quyền cơ bản mà thiết nghĩ bất kỳ ở đâu cũng cần có.