>>Mở thêm cơ chế cho doanh nghiệp xử lý rác thải

Dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương là ông Phạm Tấn Công – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo TW, ông Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI. Tại địa phương có ông Phạm Minh Tấn - Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ Đắk Lắk, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cùng các sở ban ngành và hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương. 

Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang có 11.130 doanh nghiệp, trong đó có 922 doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn, tăng 2,7 lần về số lượng và 2,1 lần về số quy mô vốn doanh nghiệp so với năm 2012. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận 47.116 hộ kinh doanh đang hoạt động. Đã có 7/15 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Đồng chí Phạm Tấn Công phát biểu đưa ra định hướng thảo luận.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu đưa ra định hướng thảo luận.

Với sự phát triển nhanh chóng về số lượng trong những năm vừa qua, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành của khu vực kinh tế tư nhân là 67.068 tỷ đồng, chiếm 70,72% tổng GRDP toàn tỉnh. Các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, góp phần nâng tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 8.205,88 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2016 - 2020 đạt 143.448 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn trước 2,32 lần; khu vực vốn ngoài nhà nước tăng đáng kể, gấp 2,74 lần giai đoạn trước, chiếm 79% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong giai đoạn 2011 - 2021, tỉnh Đắk Lắk thu hút được hơn 500 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 100.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai thác, chế biến; năng lượng tái tạo, hạ tầng thương mại, du lịch, kinh doanh dịch vụ vận tải, hạ tầng khu đô thị... góp phần tăng thêm năng lực về hạ tầng, gia tăng giá trị sản xuất cho nền kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng chung của nền kinh tế, đặc biệt là đóng góp quan trọng trong việc giải quyết việc làm, thu ngân sách, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Quang cảnh hội nghị khảo sát.

Quang cảnh hội nghị khảo sát.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 01 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 105,5 ha và tổng vốn đầu tư 745 tỷ đồng; 01 vùng sản xuất cà phê công nghệ cao có quy mô 450ha với 281 hộ gia đình tham gia. Toàn tỉnh có 28.000 ha trồng trọt áp dụng kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ cao chiếm 4,3% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ nguồn vốn đầu tư cho 05 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sau khi nghe báo cáo, Đoàn công tác Trung ương đã đồng nhất đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW. Đưa ra những định hướng thảo luận, ông Phạm Tấn Công cho rằng, tỉnh Đắk Lắk cần thẳng thắn nhìn vào những kết quả đạt được, chưa đạt được, cơ hội, thách thức và nhiệm vụ, giải pháp việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân tại địa phương đến năm 2030, nhất là gắn với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ý kiến thảo luận của các đại biểu xoay quanh những khó khăn hạn chế mà tỉnh tỉnh Đắk Lắk nêu trong báo cáo như: Việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đến doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, do đa số các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có số lượng đảng viên ít, chất lượng chưa cao; hoạt động cấp ủy chi bộ còn nhiều khó khăn do đặc thù các doanh nghiệp chỉ chú trọng và tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển Đảng.

Ông Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban kinh tế TW phát biểu kết luận.

Ông Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương phát biểu kết luận.

Một số chính sách Trung ương ban hành theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến vẫn chưa được triển khai hoặc chậm. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu do nguồn kinh phí địa phương hạn chế. Khi triển khai thực hiện một số các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển còn nhiều bất cập; thiếu sự hướng dẫn của Trung ương. Tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều khó khăn. Quá trình thực hiện các dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn.

Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp còn thiếu sự chủ động hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh về quy mô vốn, về kỹ thuật, công nghệ. Một số ít doanh nhân chưa được đào tạo bài bản, chưa có kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật kinh doanh quốc tế, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là bối cảnh của quốc tế cũng diễn biến rất sôi động và phức tạp, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hậu dịch bệnh Covid 19, những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong phạm vi khu vực và toàn cầu.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng: “Đắk Lắk đã biết phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc đóng góp kinh tế địa phương là rất tốt. Tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh dễ phát triển. Giá trị hàng hóa xuất khẩu từ nông thôn chiếm 90% hàng xuất khẩu của tỉnh. Làm rất tốt công tác bồi dưỡng doanh nhân, hạ tầng cơ sở ở khu, cụm công nghiệp. Doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn đã biết chú trọng đến thế mạnh của tỉnh để phát huy lợi thế. Xây dựng đạo đức, lối sống, văn hóa trong giới doanh nhân đã có những bước tiến tích cực.

Chỉ số PCI tăng đáng kể trong 10 năm qua. Chính sách của tỉnh đã thu hút và khuyến khích các doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, giải quyết bài toán liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ bền vững. Những tồn tại, hạn chế cần phải đưa ra những giải pháp kiến nghị kịp thời để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Việc tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW trong giai đoạn 10 năm có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực. Từ đó sẽ rút ra được những kinh nghiệm, bài học trong việc xây dựng và phát huy vai trò của doanh nhân tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045”.