Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 11/10, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) ra thông báo công khai chấm dứt điều tra sơ bộ về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm gạo nhập khẩu vào Philippines.

Bộ Công Thương khuyến nghị xem xét thận trọng hợp đồng xuất khẩu gạo vào Philippines. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương khuyến nghị xem xét thận trọng hợp đồng xuất khẩu gạo vào Philippines. (Ảnh minh họa)

Việc Philippines chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạo sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian trước mắt, có thể tiếp tục xuất khẩu gạo sang Philippines theo cơ chế hiện hành của Philippines, Bộ Công Thương nhận định.

Tuy nhiên, Philippines vẫn có khả năng sử dụng một số biện pháp khác theo qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và của ASEAN để tác động vào lượng gạo nhập khẩu, do đó, trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó khi có tình huống mới phát sinh.

Còn về phía các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương khuyến nghị xem xét thận trọng hợp đồng xuất khẩu gạo vào Philippines và nếu có thể thì nên áp dụng các biện pháp kĩ thuật để phòng ngừa rủi ro trên thị trường này. Trước đó, vào ngày 11/9, Bộ Nông nghiệp Philippines tự khởi xướng điều tra vụ việc với lí do nhập khẩu gạo gia tăng đột biến gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân Philippines.

Sau khi nhận được thông báo của Philippines về việc khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã chủ động cung cấp thông tin, khẩn trương trao đổi, làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan để xây dựng phương án xử lí vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong tháng 9/2019, Bộ Công Thương đã làm việc với một số cơ quan có liên quan của Philippines như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Ủy ban Thuế quan để bày tỏ quan điểm, ý kiến của Việt Nam đối với vụ việc.

Theo Bộ công thương, 6 đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh chỉ đạt 239.000 tấn trong khi cùng kỳ năm 2018 xuất khẩu qua 3 thị trường trên đạt 1,44 triệu tấn. Ngược lại, Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính chiếm 38,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo cả nước, đạt 1,06 triệu tấn, tăng 296,6% so với cùng kỳ, đạt trị giá 423,3 triệu USD.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường. Ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo nhập khẩu cả năm sẽ giảm do nhiều lý do khác nhau như tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.

Từ 11/9/2019, Bộ Nông nghiệp Philippines đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạo nhập khẩu với lý do sản phẩm này vào Philippines gia tăng đột biến gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân. 

Sau khi nhận được thông báo của Philippines về việc khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã chủ động cung cấp thông tin, khẩn trương trao đổi, làm việc với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các Bộ/ngành liên quan để xây dựng phương án xử lý vụ việc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.