Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy:

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: "Khâu trung gian đã làm ảnh hưởng và kéo giá gạo xuống".

Trong 9 tháng năm 2018, thành tựu xuất khẩu gạo của Việt Nam rất tích cực. Theo số liệu chưa đầy đủ, đến thời điểm này đã xuất khẩu được hơn 5 triệu tấn gạo.

Thị trường đã được “vẽ lại"

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc kinh doanh lương thực Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Việt Nam đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu gạo. Trước đây, Trung Quốc là thị trường chiếm tỉ lệ rất cao trong thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam, chiếm từ 35 -40%. Nhưng đến 9 tháng đầu năm, thị phần Trung Quốc đã giảm xuống còn 22 – 25%, 9 tháng Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang thị trường này khoảng 1,1 triệu tấn.

Nguyên nhân cơ bản của việc giảm xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc, theo ông Dũng là do chúng ta đã đa dạng hóa và mở rộng thị trường sang các nước xung quanh. Đơn cử, 9 tháng đầu năm nay lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt 680.000 tấn, Indonesia đạt gần 800.000 tấn, Malaysia gần 500.000 tấn. Ngoài ra, Việt Nam đã thay đổi được cơ cấu gạo xuất khẩu. Từ việc trước đây lượng gạo xuất khẩu cấp thấp luôn chiếm khoảng 30 - 40%, thì 9 tháng đầu năm 2018, lượng gạo chất lượng cao đã có những thay đổi rất rõ rệt. Ví dụ, gạo thấp cấp chỉ còn chiếm khoảng 20%, gạo thơm chiếm 40%, 40% còn lại là gạo hạt dài đặc biệt và gạo nếp.

Cùng với đó, phải kể đến sự năng động của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đã rất năng động trong việc mở rộng thị trường, tạo ra được những đơn hàng lớn, mạnh dạn tham gia đấu thầu tư nhân tại Indonesia, Phipippnines… và đã thu được kết quả rất khả quan.

Một điểm nhấn nữa để đưa gạo Việt Nam xuất khẩu thành công là vụ Thu - Đông 2017 – 2018 và vụ Đông - Xuân 2018, gạo Việt Nam được mùa, mặt bằng chất lượng gạo tốt, phù hợp với các thị trường có nhu cầu trong thời gian vừa qua.

Là doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu gạo, ông Dũng cũng đã chia sẻ về những khó khăn khi xuất khẩu gạo. Với 3 tháng còn lại tình hình xuất khẩu gạo sẽ còn có nhiều thay đổi.

Thứ nhất, từ tháng 7 đến nay nhu cầu gạo từ các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam như Trung Quốc, Phipippines, Indonesia, Malaysia có xu hướng giảm dần về nhu cầu. Nguyên nhân thị trường Trung Quốc giảm là do họ đang vào vụ mùa thu hoạch. Theo đánh giá của chính phủ Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc thì nước này đang được mùa.

Thứ hai, bắt đầu từ tháng 9 Trung Quốc bỏ trợ cấp gạo cho nông dân.

Thứ ba, gạo tồn kho của Trung Quốc đang rất lớn, cho nên khi Trung Quốc có những biện pháp xả tồn kho thì sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng chung về giá gạo của Trung Quốc, trong khi giá gạo của họ hiện đang khá thấp.

Thứ tư, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nhân dân tệ so với USD. Điều này làm cho giá nhập khẩu hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc bị tăng lên.

Thứ năm, từ ngày 1/7 khi chính phủ Trung Quốc áp dụng thuế 50% với gạo nếp đã làm cho các chi phí tăng lên.

Tiềm năng hạt gạo chưa được giải phóng

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn manh mún, cùng với tư duy năng suất, sản lượng để có được khối lượng sản phẩm bán ra thị trường nhanh, thu hồi vốn về khiến giá trị hạt gạo chưa cao.

Chúng ta chưa chú ý đến trục nông sản xuất khẩu dẫn đến hạt gạo không được giải phóng, chất lượng hạt gạo không tăng lên. Điều này dẫn đến việc, khi phát triển thị trường thì gạo Việt Nam đã gặp ngay phải rào cản, đó là chất lượng gạo không cao. Ngoài ra, mặc dù khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long đã có những cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, nhưng đi vào thực tiễn thì chất lượng của những cánh đồng này chưa cao.

Đặc biệt, trong chuỗi giá trị hạt gạo mất giá, theo ông Thủy, người nông dân thì sản xuất, nhưng sau khi có lúa, ngay lập tức xuất hiện “cò” lúa. Sau “cò” lúa là “cò” vận chuyển, rồi môi giới từ thu mua đến khi vào được doanh nghiệp xuất khẩu…“Như vậy, khâu trung gian đã làm ảnh hưởng và kéo giá gạo xuống”, ông Thủy bày tỏ.

Trong khi đó, chính bản thân người nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau khi thu hoạch thì phải bán ra ngay, vì họ còn phải lo ăn, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh… chính vì sự “gấp gáp” đó đã khiến hoạt động từ hạt thóc sang hạt gạo luôn bị kéo dài và mất giá.

Nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề này, theo ông Thủy, tuy đã có chiến lược nhưng gắn kinh doanh với sản xuất thì doanh nghiệp lại “bỏ quên”, đơn cử như liên kết với người nông dân, HTX. Cho nên việc đầu tư để xây vùng nguyên liệu, kiểm soát đầu vào, tăng năng lực trong thời kỳ vận chuyển và thu hoạch một phần đã bị tư thương và “cò” lấn chiếm.

Từ đây dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ “túm” được “cái đuôi” trong giá trị hạt gạo, để làm sao cạnh tranh nhau về giá. Doanh nghiệp luôn bị động và “lắc lư” trong xuất nhập khẩu gạo. Bản thân trong các doanh nghiệp cũng chưa có sự cạnh tranh lành mạnh, vẫn còn hiện tượng tranh mua và tranh bán.  

Đánh giá về vai trò nhà nước, ông Thủy cho rằng, chính sách giải phóng hạt lúa bằng hạt gạo còn chậm, thiếu đồng bộ, thậm chí bị đứt đoạn. Cụ thể, gần 2 năm mới có thể thay đổi được Nghị định 109/2011/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo. Theo ông Thủy, thời gian như vậy là quá dài.

Trước đây, Nghị định 109 đặt ra một loạt điều kiện, từ xay sát, kho bãi, đặc biệt khi xuất khẩu, bí mật thị trường phải nằm trong tay doanh nghiệp thì doanh nghiệp lại phải thông tin thị trường cho VFA. “Tôi cho rằng, đây là những điều trái với tự do kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhưng may mắn Nghị định 109 cũng đã được sửa đổi”, ông Thủy chia sẻ.