Phát biểu tại Lễ công bố sáng nay, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh Báo cáo công bố trong sự kiện ngày hôm nay là kết quả hợp tác tích cực trong một năm qua giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đó kiến nghị tới các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp. 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu từ đầu năm 2020 tới nay, song xuất nhập khẩu vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam đạt 545,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số này cho thấy nỗ lực phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong dịch bệnh. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI bình luận.

Theo Chủ tịch VCCI báo cáo công bố ngày hôm nay cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của các cơ quan nhà nước nói trên.

Tổng hợp thông tin từ gần 3.700 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trong năm vừa qua, Báo cáo phản ánh nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2020 so với những năm trước”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo đó, thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. Doanh nghiệp đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do Cơ quan Hải quan cung cấp. Doanh nghiệp cũng hài lòng hơn đối với công tác hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi doanh nghiệp gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin.

Việc thực hiện các thủ tục hành chính hải quan cũng thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp. Những chuyển biến tích cực được doanh nghiệp ghi nhận việc khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, nộp thuế, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại.  

Một số cải cách lớn của cơ quan Hải quan trong thời gian gần đây cũng được các doanh nghiệp ghi nhận. Ví dụ như giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động,

Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ doanh nghiệp của cán bộ, công chức Hải quan so với những năm trước. Mức độ thực hiện kỷ cương, tác phong làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức Hải quan đều có những chuyển động tích cực.

Công tác kiểm tra, quản lý chuyên ngành vốn trước đây có nhiều phàn nàn của các doanh nghiệp, thì trong khảo sát 2020 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Một số bộ, ngành được các doanh nghiệp đánh giá cao như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp.

Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt. Một mặt, thể hiện nhận thức của doanh nghiệp trong kinh doanh liêm chính cũng đã có chuyển biến. Mặt khác, cũng thể hiện những nỗ lực của Cơ quan Hải quan và các bộ, ngành khác trong công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Những chuyển biến nêu trên là rất tích cực và cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Dù vậy, khảo sát của VCCI cho thấy còn rất nhiều việc cơ quan Hải quan và các Bộ, ngành khác cần tích cực triển khai trong thời gian tới để tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Báo cáo Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020 được thực hiện online.

Vì điều kiện dịch bệnh báo cáo Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020 được thực hiện online.

Đối với cơ quan Hải quan, các doanh nghiệp mong muốn việc cung cấp thông tin, hướng dẫn giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp được chú trọng hơn và thực hiện hiệu quả hơn với đội ngũ chuyên trách để tư vấn và cập nhật thường xuyên thông tin. Doanh nghiệp kỳ vọng các thủ tục có thể thực hiện qua mạng internet một cách hoàn toàn chứ không phải vừa làm trên giấy, vừa làm trên mạng như hiện nay.

Cơ quan Hải quan cần có cơ chế kết nối, chia sẻ chung về lịch sử kiểm tra thực tế hàng hóa của doanh nghiệp để tránh kiểm tra trùng lặp. Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan Hải quan cần hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn với các thủ tục xác định mã HS và tham vấn xác định trị giá hải quan. Các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan Hải quan có các cơ chế giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ và minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm, đồng thời có các cơ chế hiệu quả, thực chất để doanh nghiệp kiến nghị và khiếu nại hành vi sách nhiễu, gây phiền hà.

Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp mong muốn cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành cũng như áp dụng triệt để việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục trực tuyến.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng số lượng hàng hóa phải thanh, kiểm tra chuyên ngành nên tiếp tục giảm xuống và hạn chế tối đa việc kiểm tra trùng lặp. Các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro để giảm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên ngành với cơ quan Hải quan cũng cần cải thiện, đặc biệt là ở các khía cạnh chia sẻ dữ liệu về thủ tục hành chính và phối hợp giải đáp vướng mắc, hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình làm thủ tục. 

Về tổng thể, Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng cơ quan Hải quan và các bộ ngành tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao năng lực giải quyết công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Cơ quan Hải quan và các bộ, ngành cần cải thiện hiệu quả công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu.